Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua hồi ký của nhật báo The Times
Năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, phóng viên tờ The Times của Anh đã có vinh dự được phóng vấn Đại tướng ngay tại lòng chảo Điện Biên Phủ.
The Times là nhật báo quốc gia được xuất bản hàng ngày ở Vương quốc Anh từ năm 1785, và được xuất bản dưới tên The Times (tiếng Việt là "Thời báo") từ năm 1788, là tờ "Thời báo" đầu tiên. Trong phần lớn lịch sử phát triển, nhật báo này được coi là tờ báo danh giá (newspaper of record) của nước Anh.
Năm 1984, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đoàn công tác về thăm chiến trường Điện Biên Phủ, trong đó có cả phóng viên tờ The Times của Anh. Sau đó, bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp của phóng viên The Times được xuất bản ngày 29/4/1984 trên trang 8 của ấn bản The Times phát hành toàn cầu với tựa đề: “Tướng Giáp và bài học từ chiến trường Điện Biên Phủ”.
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Tri thức và Cuộc sống xin giới thiệu lại toàn bộ bản dịch bài báo của The Times được viết cách đây 40 năm, khi đất nước ta còn “ngăn bước chân thù phía nam, phía bắc” và trong vòng cấm vận ngặt nghèo của một số quốc gia thù địch.
Đứng trên ngọn đồi nhìn ra chiến trường lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về chiến thắng quân sự vĩ đại nhất của ông trước quân xâm lược Pháp vào 30 năm trước. Ông nói: “Sai lầm của họ là đã đánh giá thấp chúng tôi”.
Trong bộ quân phục màu xanh ô liu với bốn ngôi sao màu vàng lấp lánh trên vai, Tướng Giáp cho biết, chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chứng minh rằng, ''tương lai thuộc về những dân tộc dám đấu tranh để làm chủ vận mệnh của mình''.
Vào ngày Tướng Giáp phát biểu với các phóng viên, các trợ lý của ông cho biết, thời tiết trên thung lũng Điện Biên Phủ nằm ở góc tây bắc Việt Nam tương tự như ngày 7/5/1954, khi các sư đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam tràn ngập các cứ điểm của Pháp, sau cuộc vây hãm kéo dài 56 ngày, đánh dấu kết thúc sự cai trị của người Pháp ở Đông Dương.
Bầu trời u ám và sương mù đã che phủ hầu hết chiều dài 11 dặm của thung lũng, nơi rộng nhất là 5 dặm trong một trận quyết chiến chiến lược vào 30 năm trước.
Tướng Giáp lúc này đã 71 tuổi, ông đến thăm Điện Biên Phủ để giám sát việc tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được một số nhà sử học đánh giá là một trong những trận đánh mang tính quyết định nhất của thế kỷ 20.
Trong cuộc phỏng vấn với các nhà báo nước ngoài, ông nói về các cuộc chiến tranh gần như liên miên của Việt Nam chống Pháp, Mỹ. Đồng thời cho biết đất nước ông khao khát hòa bình.
Đề cập đến tầm quan trọng lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ 30 năm trước, ông nói: “Khi chúng ta đứng trên chiến trường Điện Biên Phủ, chúng ta hãy làm mọi thứ có thể để xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác”.
Tướng Giáp được chở trên một chiếc ô tô nhỏ đến Đồi Eliane (Đồi A1) nhìn ra sở chỉ huy của kẻ thù cũ của ông, Tướng Christian de Castries. Khi ông bước ra, rất đông binh lính đứng nghiêm chào, biểu thị sự kính phục.
Ông bắt tay một số người trong số họ rồi leo những bậc thang cuối cùng lên đỉnh ngọn đồi cao 900 mét so với mực nước biển, mà người Việt Nam đặt mật danh là A1.
Sức khỏe tốt của Tướng Giáp dường như đã xác nhận quan điểm của các nhà ngoại giao ở Hà Nội, họ cho biết ông đã tự nguyện rời khỏi Bộ Chính trị gồm 13 thành viên của Hà Nội hai năm trước, để nhường chỗ cho những “nhân tố mới”.
Tướng Giáp từng nói: ''Học viện quân sự duy nhất mà tôi từng học là chiến trường''. Mặc dù không được học quân sự chính quy, nhưng các bài viết của Tướng Giáp về chiến tranh du kích, hiện là sách giáo khoa tiêu chuẩn cho các nhà cách mạng trên toàn thế giới.
Khi được hỏi bài học lịch sử rút ra từ chiến thắng Điện Biên Phủ có được áp dụng để chống lại người Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam hay không, ông nói: ''Tất nhiên là chúng tôi đã áp dụng nó cho họ và hiện chúng tôi đang áp dụng nó cho mối đe dọa khác. Lịch sử là một quá trình liên tục với hiện tại gắn liền với quá khứ và tương lai”.
Tướng Giáp nói rằng, quân đội của ông đã chiến đấu chống lại người Pháp bằng những “vũ khí thô sơ” nhất, và ông cười khi nhớ lại lời “khoe khoang” của người Pháp rằng, Việt Minh sẽ bị tiêu diệt nếu dám tấn công Điện Biên Phủ.
Đồi A1 được coi là chìa khóa để phòng thủ Điện Biên Phủ, được quân đội của Tướng Giáp đánh chiếm vào ngày 6/5/1954 sau 56 ngày chiến đấu liên tục. Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Gần đó là nghĩa trang liệt sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước 700 bia mộ xếp thành hàng ngay ngắn là một đài tưởng niệm có dòng chữ ''Tổ quốc ghi công”. Tuy nhiên trong nghĩa trang có nhiều bia mộ là của liệt sĩ chưa được biết tên.
Một hướng dẫn viên giải thích: “Chúng tôi vẫn đang cố gắng xác định danh tính những chiến sĩ đã hi sinh, một số ngôi mộ có ba hoặc bốn chiến sĩ được chôn cùng nhau”.