Đại xá là gì và khi nào thì đại xá?
Theo Điều 16 Luật Tổ chức Quốc hội thì Quốc hội quyết định đại xá theo đề nghị của Chủ tịch nước...
Mới đây, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 1244/2025/QĐ-CTN về đặc xá năm 2025 (đợt 2) nhân dịp 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-2025).
Mở rộng đối tượng đặc xá
Theo đó, 3 đối tượng đặc xá bao gồm:
- Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn.
- Người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
- Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 31-8-2025.
Điều kiện được đề nghị đặc xá được quy định cụ thể như sau:
Đối với người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá, phải có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt từ khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Ngoài ra, các trường hợp này phải có thời gian tiếp theo được nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên.
Thứ hai, đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 1/3 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 14 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.
Lưu ý: Người bị kết án về các tội như phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết, tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, và một số tội phạm khác theo quy định của Bộ luật Hình sự, phải đáp ứng điều kiện về thời gian chấp hành án như sau:
Đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, phải chấp hành ít nhất 1/2 thời gian phạt tù. Tuy nhiên, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án, thì thời gian được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án.
Đối với người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, phải chấp hành ít nhất 17 năm tù. Tuy nhiên, nếu sau khi được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án, thì thời gian được giảm sau đó cũng không được tính vào thời gian đã chấp hành.
Thứ ba, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí.
Thứ tư, đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng.
Thứ năm, đã thi hành xong hoặc thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm không phải là tội phạm tham nhũng...
Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự; không thuộc một trong các trường hợp không được đề nghị đặc xá quy định tại Điều 4 Quyết định này.
Đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá, ngoài việc trước khi có quyết định tạm đình chỉ phải có đủ các điều kiện như đối với người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn thì phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Một số phạm nhân được nhận quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đợt 1 năm 2025. Ảnh: VT
Đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất là 1/4 thời gian và người bị kết án phạt tù chung thân đã được giảm xuống từ có thời hạn đã chấp hành ít nhất là 12 năm hoặc trường hợp bị kết án về một trong các tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã chấp hành ít nhất 1/3 thời gian đối với án phạt tù có thời hạn, 15 năm đối với án phạt tù chung thân, nếu có đủ các điều kiện quy định tại các điểm a, c, d, đ, e và g khoản 1, các điểm a, c và d khoản 2 Điều này thì được đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;
- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, người được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
- Người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân;
- Khi phạm tội là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này;
- Người từ đủ 70 tuổi trở lên;
- Người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình;
- Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong trại giam, trại tạm giam;
- Người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của pháp luật về người khuyết tật, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vì theo quy định của pháp luật về dân sự.
Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm g khoản 1 Điều này hoặc người dưới 18 tuổi đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện quy định tại điểm g khoản 1, điểm a và điểm d khoản 2 Điều này được đề nghị đặc xá khi đã chấp hành ít nhất một phần tư thời gian hoặc đã chấp hành được ít nhất một phần ba thời gian đối với trường hợp bị kết án phạt tù về một trong các tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Chính phủ chủ trì, phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo Điều 22, Điều 23 của Luật Đặc xá để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Đại xá là gì và khi nào đại xá?
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, Giảng viên Luật Hiến pháp, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM cho biết: Theo Điều 16 Luật Tổ chức Quốc hội thì Quốc hội quyết định đại xá theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Theo khoản 11 Điều 70 Hiến pháp 2013 thì Quốc hội có quyền ra quyết định đại xá.
Theo khoản 3 Điều 88 Hiến pháp 2013 thì Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá.
Hiện nay, không có bất cứ văn bản pháp luật nào định nghĩa cụ thể và đại xá, nhưng về mặt khoa học, có thể hiểu: Đại xá là một hình thức tha tội hoàn toàn cho một số loại tội phạm nhất định với hàng loạt người phạm tội (không phân biệt họ đã phải chấp hành hình phạt hay chưa, hoặc đã bị truy tố, xét xử hay chưa) nhân sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của một quốc gia.
Quốc hội quyết định đại xá
Điều 53 Nội quy Kỳ họp Quốc hội (Ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 208/2025 của Quốc hội), quy định về Quyết định đại xá:
1. Hồ sơ trình Quốc hội quyết định đại xá bao gồm:
a) Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội quyết định đại xá;
b) Dự thảo nghị quyết;
c) Báo cáo thẩm tra của cơ quan của Quốc hội;
d) Tài liệu khác (nếu có).
2. Quốc hội quyết định đại xá theo trình tự sau đây:
a) Chủ tịch nước trình bày tờ trình;
b) Đại diện cơ quan của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra;
c) Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thể thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội;
d) Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chủ tịch nước giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan;
đ) Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chủ tịch nước chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết;
e) Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết;
g) Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dai-xa-la-gi-va-khi-nao-thi-dai-xa-post859370.html