Đak Đoa: Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên

Dưới sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, đội ngũ hòa giải viên (HGV) huyện Đak Đoa đã không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nhằm giải quyết tốt các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở.

Ông Đỗ Thành Việt-Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Đak Đoa-cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 133 tổ hòa giải với 665 HGV. Để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho các HGV ở cơ sở, hàng năm, Phòng Tư pháp đều phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân nói chung, đội ngũ HGV nói riêng. Đồng thời, kiện toàn, củng cố đội ngũ HGV ở cơ sở, trong đó ưu tiên chọn những người đã nghỉ hưu, người có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm hòa giải và có uy tín tại cộng đồng.

Một lớp tuyên truyền pháp luật và tập huấn kỹ năng hòa giải do huyện Đak Đoa tổ chức. Ảnh: Hồng Thương

Một lớp tuyên truyền pháp luật và tập huấn kỹ năng hòa giải do huyện Đak Đoa tổ chức. Ảnh: Hồng Thương

Đặc biệt, hàng năm, Phòng Tư pháp đều mở lớp tập huấn tại huyện để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho HGV. “Tại các lớp tập huấn, chúng tôi vừa đưa ra các tình huống giả định vừa phổ biến các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Hòa giải ở cơ sở; Luật Đất đai; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng-chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, Luật An ninh mạng... Nhờ tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, từ năm 2018 đến nay, các tổ hòa giải trong huyện đã giải quyết thành công 89/110 vụ việc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”-ông Việt nói.

Thị trấn Đak Đoa được đánh giá là điểm sáng trong công tác hòa giải ở cơ sở. Ông Nguyễn Trọng Thành-Chủ tịch UBND thị trấn-chia sẻ: Thị trấn Đak Đoa hiện có 13 tổ hòa giải với 115 HGV, trong đó có 35 HGV là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài việc cử HGV tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, các buổi tuyên truyền pháp luật do Sở Tư pháp, phòng Tư pháp tổ chức, thị trấn cũng cấp phát đầy đủ tài liệu để hỗ trợ kiến thức, kỹ năng hòa giải cho các tổ hòa giải. Đồng thời trích từ nguồn ngân sách địa phương chi đầy đủ các khoản phí văn phòng phẩm và chế độ hòa giải cho mỗi vụ việc, qua đó kịp thời động viên các HGV tiếp tục tâm huyết với công tác hòa giải.

“Tuy trình độ, kiến thức, kỹ năng hòa giải không đồng đều nhưng với tinh thần tự nguyện, tâm huyết và trách nhiệm nên hầu hết các tổ đều đảm nhận giải quyết tốt các mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao đội ngũ HGV ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, họ không chỉ hòa giải thành công một số vụ việc xảy ra trên địa bàn mà còn tháo gỡ những mâu thuẫn giữa các hộ dân ở các thôn, làng khác nhau. Riêng trong năm 2018, các tổ đã hòa giải thành công 15/18 vụ việc; 6 tháng đầu năm 2019 hòa giải thành công 5/5 vụ việc”-ông Thành thông tin.

Chia sẻ về kinh nghiệm hòa giải của mình, ông Ayó-Tổ trưởng tổ hòa giải làng Piơm (thị trấn Đak Đoa)-cho rằng: Nên phân chia các vụ việc cần hòa giải thành 2 nhóm. Đối với những mâu thuẫn nhỏ, chỉ liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày thì nên dựa vào cái lý, cái tình để phân tích, vận động đôi bên tự thỏa thuận làm hòa với nhau. Riêng đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến tranh chấp đất đai, lối đi... thì ông đều phải dựa vào những quy định của pháp luật để giải quyết. Đặc biệt, khi xử lý vụ việc nào, ông đều mời người thân của hai bên đến chứng kiến. “Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, đặc biệt là trả lời câu hỏi liên quan đến các tình huống, tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm để hòa giải. Vì vậy, hầu hết các vụ việc đều được giải quyết ổn thỏa, không phải gửi đơn lên cấp trên”-ông Ayó cho hay.

Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở xã Hneng cơ bản đảm bảo ổn định một phần nhờ các tổ hòa giải làm tốt công tác vận động, giải quyết các mâu thuẫn, xích mích. Ông Huỳnh Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND xã Hneng-cho biết: Toàn xã hiện có 5 tổ hòa giải và các thành viên trong tổ đều được xã cân nhắc lựa chọn kỹ, trong đó tranh thủ uy tín của các chức sắc tôn giáo, các già làng, người có uy tín và các chức danh chủ chốt ở thôn, làng. Sau khi được kiện toàn, các HGV đều được cử đi tham gia nhiều lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải. Từ năm 2018 đến nay, toàn xã xảy ra 6 vụ việc xích mích liên quan đến tranh chấp lối đi, đất đai, nguồn nước tưới; cả 6 vụ việc này đều được các tổ xử lý ổn thỏa, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, hiện nay, chế độ chi trả cho các đợt tham gia tập huấn, mỗi vụ việc hòa giải và các khoản văn phòng phẩm rất thấp, nhất là chế độ bồi dưỡng tập huấn. Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề xuất cần tổ chức nhiều hơn các buổi tập huấn và cấp phát tài liệu liên quan để giúp các HGV nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải.

Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Đak Đoa: Để đảm bảo chế độ cho HGV, Phòng đã nâng chế độ bồi dưỡng tập huấn lên 50.000 đồng/người từ cuối 2018 (trước đó là 40.000 đồng/người). Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện đúng việc chi trả chế độ 200 ngàn đồng/tổ (cao hơn so với trước 50.000 đồng) cho mỗi vụ việc hòa giải; 100 ngàn đồng/tháng chi phí văn phòng phẩm. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn các tổ hòa giải; đổi mới nội dung tập huấn; tham mưu UBND huyện tổ chức hội thi HGV giỏi cơ sở năm 2019 nhằm tạo cơ hội cho các HGV giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Hồng Thương

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/721/201907/dak-doa-nang-cao-nang-luc-doi-ngu-hoa-giai-vien-5640073/