Đak Đoa phát huy vai trò người có uy tín
Đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) không chỉ gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào, cuộc vận động, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
“Cầu nối” ở buôn làng
Là người có uy tín ở làng Piơm (thị trấn Đak Đoa), nhiều năm qua, ông Lick đã vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm; tích cực hiến đất, đóng góp ngày công làm đường giao thông. Ông còn tích cực tham gia hòa giải các vụ tranh chấp, vận động bà con sống hòa thuận, cùng xây dựng cuộc sống ấm no. Ông Lick cho biết: “Hơn 10 năm nay, tôi thường xuyên dành thời gian tuyên truyền, vận động bà con tập trung phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, tôi nhắc nhở các gia đình khuyên răn con cháu không sa vào các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật, không tin các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ xấu. Ngoài ra, năm 2011, tôi còn vận động dân làng đóng góp tiền và ngày công lao động xây dựng tuyến đường nhựa đầu tiên trong làng. Vừa rồi, tôi cũng vận động bà con đóng góp làm 800 m đường bê tông nội làng. Bản thân tôi và gia đình luôn gương mẫu để bà con trong làng làm theo”.
Tương tự, ông A Lữt-người có uy tín ở làng Dur (xã Glar) cho hay: Làng có 181 hộ dân, trong đó, 97% số hộ là người Bahnar. Được người dân tín nhiệm, bản thân ông luôn gương mẫu đi đầu vận động gia đình, người thân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, ông thường xuyên gặp gỡ những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tuyên truyền, vận động họ làm ăn lương thiện, hòa nhập cộng đồng. Ông cũng thường xuyên tham gia hòa giải các vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, dòng họ, từ đó tạo mối quan hệ gắn kết người dân trong làng. “Ngoài ra, tôi phải tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình để bà con học tập. Hiện tại, với 2 ha cà phê trồng xen hồ tiêu, hơn 7 sào lúa nước 2 vụ và chăn nuôi bò, heo, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng”-ông A Lữt tự hào cho biết.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa, toàn huyện có 74 người uy tín trong vùng đồng bào DTTS, trong đó có 49 người dân tộc Bahnar và 25 người dân tộc Jrai. Những người có uy tín ở các buôn làng đều tích cực vận động người dân tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể, thực hiện tốt quy ước, hương ước. Nhiều người đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa, đấu tranh xóa bỏ những tập tục lạc hậu, sống gần gũi, hòa đồng với người dân. Với những hoạt động tích cực của mình, người có uy tín đã đóng góp quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh.
Phát huy vai trò người uy tín
Những năm qua, đội ngũ người có uy tín của huyện Đak Đoa đã tích cực tuyên truyền người dân nêu cao cảnh giác, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tích cực tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bên cạnh đó, người có uy tín còn là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, vận động người dân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ tập tục lạc hậu…
Trao đổi với P.V, ông Võ Tiến Đông-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho hay: Những năm qua, kinh tế-xã hội của huyện có bước khởi sắc, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS được Nhà nước đầu tư từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, hệ thống chính trị được củng cố. Kết quả đó là có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ người có uy tín tại địa phương. Những người có uy tín thực hiện tốt vai trò vận động con cháu và người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp; tích cực hiến đất, đóng góp tiền, công sức xây dựng nông thôn mới.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về vai trò của người có uy tín để người dân biết; thắt chặt mối quan hệ gắn kết giữa người có uy tín với người dân và cộng đồng; đổi mới nội dung, đa dạng hình thức vận động phù hợp với tâm lý, môi trường hoàn cảnh khác nhau của người có uy tín. Bên cạnh đó, huyện chú trọng thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có uy tín nhằm phát huy tối đa vai trò của họ trong xây dựng các mô hình như “Dân vận khéo”, tổ tự quản bảo đảm an ninh trật tự; vận động người dân đóng góp công sức, hiến đất xây dựng nông thôn mới”-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa thông tin thêm.
NGUYỄN DIỆP