Đắk Lắk bàn cách phát triển bền vững đối với doanh nghiệp khởi nghiệp

Để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần quan tâm đến lĩnh vực thế mạnh ở địa phương, có mô hình phát triển phù hợp và tăng cường ứng dụng chuyển đổi số. Đây là một số định hướng được nêu ra tại Hội thảo Thúc đẩy doanh nghiệp Đắk Lắk khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức sáng 24/9.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Đắk Lắk có 690 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn điều lệ đăng ký gần 5.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở tỉnh lên hơn 12.800. Tỉnh đã triển khai các giải pháp, đơn giản hóa quy trình, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian, cắt giảm chi phí gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động ở tỉnh tiếp tục tăng, số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Thực tế các nguồn vốn dành cho chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh còn hạn chế, việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chồng chéo gây khó khăn trong quá trình triển khai và tiếp cận.

Tỉnh Đắk Lắk nỗ lực tìm giải pháp phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng bền vững

Tỉnh Đắk Lắk nỗ lực tìm giải pháp phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp theo hướng bền vững

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra định hướng và một số giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Ông Trần Vũ Tuấn Phan, Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, đối với Đắk Lắk, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh đặc trưng địa phương như nông nghiệp, sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch, chế biến sản phẩm tạo ra giá trị thặng dư cao, các vật liệu đặc thù, văn hóa địa phương,..

“Khởi nghiệp liên quan đến các lĩnh vực đó thì sẽ có sức cạnh tranh, có lợi thế địa phương, nền tảng vững chắc để có thể phát triển dài hạn. Do Đắk Lắk nguồn lực khác nên cần chọn những chính sách thể hiện được giá trị lõi của địa phương, ví dụ liên quan đến đất, cơ chế và các chính sách hỗ trợ phù hợp” - ông Phan chia sẻ.

Đại biểu cũng cho rằng chuyển đổi số là một nội dung trọng tâm để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó quan trọng nhất là yếu tố con người.

Đại biểu bày tỏ mong muốn tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách thực tiễn đối với nguồn nhân lực khởi nghiệp trong các doanh nghiệp

Đại biểu bày tỏ mong muốn tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách thực tiễn đối với nguồn nhân lực khởi nghiệp trong các doanh nghiệp

Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Giám đốc công ty TNHH tư vấn thuế SAF, ở thành phố Buôn Ma Thuột nêu ý kiến: “Nếu các doanh nghiệp được tiếp cận bằng cách đào tạo các nguồn nhân sự liên quan đến chuyển đổi số như áp dụng hành chính công, bảo hiểm xã hội, chính sách thuế hay các phần mềm về quản lý thì cũng đã là đổi mới rồi. Chúng tôi rất mong có một cơ chế thực tiễn hơn, đi sâu vào doanh nghiệp hơn, đó là các nguồn nhân lực tại địa phương tiếp cận được những cái đổi mới để cùng với doanh nghiệp phát triển”.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dak-lak-ban-cach-phat-trien-ben-vung-doi-voi-doanh-nghiep-khoi-nghiep-post1123692.vov