TP. Hồ Chí Minh: Chuyển đổi công nghiệp, nhìn từ kinh nghiệm các nước

Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, TP. Hồ Chí Minh buộc phải đổi mới và thích ứng trong quá trình chuyển đổi công nghiệp.

Kinh nghiệm từ các nước trong chuyển đổi công nghiệp

Thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi mang tính thời đại. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, xu hướng “phân tách”, bảo hộ thương mại đe dọa sự phát triển nhanh, bền vững.

Lịch sử chuyển đổi công nghiệp trên toàn cầu cho thấy, trong mỗi cuộc cách mạng, để đón đầu những thành công, các nước cần có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới để kịp thời thích ứng với thay đổi.

Bà Nguyễn Minh Hằng – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật đang thay đổi nhanh chóng các mô hình sản xuất và kinh doanh truyền thống. Trước bối cảnh này, đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp, trọng tâm là số hóa, tự động hóa và xanh hóa, là giải pháp then chốt giúp các quốc gia nâng cao khả năng phục hồi trước các cú sốc toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên hữu hạn, tạo ra sự phát triển bứt phá để vươn lên.

Ông Kim Young-hwan - Thống đốc tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc, cho biết đây là tỉnh nhỏ và dân số ít nhưng là tỉnh dẫn đầu, trung tâm sáng tạo, công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc và tỷ lệ công dân có việc làm đạt 7,13%. Tỉnh đã thu hút được khối lượng đầu tư mạnh mẽ, mới đây là một dự án 32 tỷ USD. Các ngành thế mạnh của công nghiệp Hàn Quốc chủ yếu là về bán dẫn vi mạch đều đến từ tỉnh này.

“Để có được thành công này là nhờ vào chính sách hiệu quả của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thu hút người lao động từ đô thị tới nông thôn làm việc. Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ 40% tiền lương cho người lao động và 60% còn lại sẽ do chủ các nông trại tự chi trả. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn có các chương trình về bảo hiểm y tế cho người lao động, giúp hơn 1000 người được bảo vệ sức khỏe” - ông Kim Young-hwan chia sẻ.

Theo ông Stefano Lo Russo - Thị trưởng thành phố Torino, Italia, con đường chuyển đổi công nghiệp và sinh thái của chúng ta có thể thực hiện được nhờ vào cuộc đối thoại thường xuyên giữa hành chính công, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục. Sự hiện diện của những tổ chức xuất sắc như Politecnico di Torino đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án đổi mới trong các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo và năng lượng bền vững. Đổi mới và thử nghiệm liên quan đến hai lĩnh vực mang tính lịch sử và chiến lược xuất sắc cho thành phố của chúng ta: ô tô và hàng không vũ trụ.

"Torino là một trung tâm đổi mới quốc tế trong lĩnh vực ô tô, với truyền thống công nghiệp lâu đời, tiếp tục dẫn đầu quá trình chuyển đổi theo hướng di chuyển bằng điện và bền vững. Lĩnh vực hàng không vũ trụ đại diện cho một trong những lĩnh vực hàng đầu trong nền kinh tế của chúng ta, với nhiều công ty liên quan hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và phát triển các công nghệ tiên tiến" - ông Stefano Lo Russo cho biết.

Do đó, ông Stefano Lo Russo nhấn mạnh, trong bối cảnh này, hợp tác công tư không chỉ là cơ hội mà còn là điều cần thiết để đối mặt với những thách thức của thời hiện đại.

Chuyển đổi công nghiệp trở thành xu hướng toàn cầu. Ảnh minh họa.

Chuyển đổi công nghiệp trở thành xu hướng toàn cầu. Ảnh minh họa.

Thách thức và giải pháp đặt ra cho TP. Hồ Chí Minh

Ông Stefano Lo Russo - Thị trưởng thành phố Torino, Italia, cho rằng TP. Hồ Chí Minh là một đô thị lớn và sôi động đang phải đối mặt với những thách thức về tăng trưởng đô thị và tính bền vững. Do vậy, việc cùng nhau hợp tác giải quyết những vấn đề này, trao đổi kiến thức và giải pháp, không chỉ củng cố mối quan hệ của chúng ta mà còn tạo ra những cơ hội phát triển mới cho lãnh thổ của chúng ta và cho giới trẻ. Thông qua các dự án chung, chúng ta có thể giải quyết thành công quá trình chuyển đổi sinh thái và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.

“Sự hợp tác giữa Torino và TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ cụ thể về cách hợp tác quốc tế giữa các thành phố có thể phát triển và tiến bộ. Trong bối cảnh đó, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng hiện nay và cũng sẽ rất quan trọng trong tương lai. Các công ty đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các chiến lược đổi mới và bền vững mà các thành phố thúc đẩy. Kinh nghiệm của chúng tôi ở Torino cho thấy rằng, khi khu vực công và tư nhân hợp tác cùng nhau, kết quả sẽ rõ ràng và lâu dài. Cách tiếp cận này không chỉ thu hút đầu tư mà còn tạo ra một hệ sinh thái thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng” - ông Stefano Lo Russo nói.

Tại phiên thảo luận Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh lần 2, lãnh đạo các địa phương quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Lạc

Tại phiên thảo luận Đối thoại Hữu nghị TP. Hồ Chí Minh lần 2, lãnh đạo các địa phương quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Lạc

Ông Komura Masahiro - Thứ trưởng Quốc hội phụ trách Ngoại giao Nhật Bản, cho rằng về mặt kinh tế, đặc biệt Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn đối với các công ty Nhật Bản và là quốc gia trọng điểm trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thứ nhất, là hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi xanh (GX) và chuyển đổi số (DX). Đây là những mối quan tâm chính của các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Hợp tác về chuyển đổi số đang được tiến hành giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế và thủ tục thương mại. Hợp tác tại GX cũng đang được tiến hành giữa Nhật Bản và Việt Nam, trong khuôn khổ cộng đồng châu Á không phát thải, hay AZEC, được khởi động vào năm 2022. Khoảng 90 dự án hợp tác về khử cacbon đã được phát triển với Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản sẽ khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực này thông qua quan hệ đối tác công tư giữa hai nước.

Thứ hai, thúc đẩy nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư cho các công ty Nhật Bản. Hơn 2.000 công ty Nhật Bản đã đăng ký tại đây, đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành nơi tập trung lớn nhất của người Nhật và các công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Lĩnh vực kinh doanh của các công ty Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh có xu hướng đa dạng hóa.

Trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế vượt bậc của TP. Hồ Chí Minh đã khiến thành phố trở thành một thị trường tiêu dùng ngày càng hấp dẫn. Các nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản như: Aeon, Uniqlo, MUJI tăng cường đầu tư. Nhật Bản đang hợp tác với Việt Nam để cải thiện môi trường đầu tư thông qua “Sáng kiến chung Nhật Bản-Việt Nam”. Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với sáng kiến này.

Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa trao đổi và phát triển nguồn nhân lực. Tại Nhật Bản, nhiều bạn trẻ Việt Nam hoạt động tích cực với tư cách là du học sinh, thực tập sinh kỹ thuật, đóng góp to lớn cho nền kinh tế và xã hội Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với TP. Hồ Chí Minh để tăng cường dòng chảy của “chu trình phát triển nguồn nhân lực”. Điều này có nghĩa là thanh niên Việt Nam được tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới thông qua học tập và làm việc tại Nhật Bản và sau khi trở về Việt Nam sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa. Đảm bảo nguồn nhân lực trình độ cao là điều cần thiết cho phát triển kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới.

Nhật Bản và ASEAN cùng đặt mục tiêu phát triển 100.000 người có tay nghề cao trong 5 năm tới. Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác sâu sắc hơn với Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh hiện chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của thành phố. Mục tiêu của thành phố là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của Thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực.

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-chuyen-doi-cong-nghiep-nhin-tu-kinh-nghiem-cac-nuoc-160212.html