Đắk Lắk bàn giải pháp giải 'bài toán' tuyển sinh vào lớp 10
Tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức cuộc họp để bàn các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn.
Gần 2.000 học sinh chưa được tuyển sinh vào lớp 10
UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cuộc họp về công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, tổng số học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2023-2024 là 31.944 em.
Chỉ tiêu đã giao cho các trường THPT công lập năm học 2024-2025 là 21.018 học sinh. Trong khi đó, số đã tuyển trúng tuyển vào lớp 10 là 21.218 học sinh (các trường thi tuyển 4.663 em; xét tuyển 16.555 em).
Số học sinh đã tốt nghiệp THCS dự kiến chưa được tuyển sinh vào lớp 10 (trường THPT hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên hoặc tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề) là 1.925 học sinh...
Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo đang tiếp tục thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, từ năm 2015-2021, toàn tỉnh giảm 10% biên chế so với biên chế giao năm 2015; từ năm 2022-2026, toàn tỉnh giảm 10% biên chế so với biên chế giao năm 2021.
Theo lộ trình tinh giản biên chế của tỉnh, hàng năm các đơn vị được giao biên chế thấp hơn năm trước. Năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo được tỉnh bổ sung 242 biên chế (trong đó bổ sung biên chế cấp THPT là 17), năm học 2023-2024 ngành được tỉnh bổ sung 415 biên chế (trong đó bổ sung biên chế cấp THPT là 41).
Tuy nhiên, do phải cắt giảm biên chế hàng năm, trong lúc đó số lớp, số học sinh tăng và phải thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên số biên chế bổ sung cho cấp THPT không đủ để bố trí giáo viên theo tỉ lệ quy định. Vì vậy, ngành giáo dục không thể tăng số lớp tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024 – 2025 để tăng tỉ lệ tuyển sinh.
Ông Khoa cũng nhấn mạnh, năm học 2024-2025, là năm đầu tiên thực hiện Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập (gọi tắt là Thông tư số 20). Theo đó, tỉ lệ tuyển học sinh/lớp giảm do quy định về vùng tuyển sinh.
Đáng chú ý, năm học 2023-2024 là năm đặc biệt có số học sinh tốt nghiệp THCS tăng đột biến so với các năm học trước với tổng số học sinh toàn tỉnh là 31.944 em (năm học 2020-2021 có 26.532 em, năm học 2021-2022 có 26.836 em, năm học 2022-2023 có 28.464 em).
Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mặc dù được ngành giáo dục đã bố trí đến mức tối đa, nhưng vẫn không đáp ứng đủ so với nhu cầu người học.
Đối với những khó khăn bất cập trong công tác tổ chức thi tuyển dẫn đến việc điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 của các trường ở địa bàn các huyện, thị xã thấp; học sinh bị điểm liệt nhiều có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Cụ thể, đây là năm đầu tiên tỉnh Đắk Lắk tổ chức thi tuyển sau gần 10 năm sử dụng phương thức xét tuyển, nhưng đến ngày 3/4/2024 tỉnh mới ban hành kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 -2024, dẫn đến việc phụ huynh và học sinh còn bị động, chưa chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
Bên cạnh đó, các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 chưa có tham gia kỳ thi nào tập trung toàn tỉnh nên thiếu kỹ năng làm bài dẫn đến kết quả thi thấp. Mặt khác, công tác tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh THCS hiện nay ở các địa phương chưa thật hiệu quả.
Để đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh và giải quyết các đề xuất kiến nghị của UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cho chủ trương tăng định mức số lượng học sinh/lớp đối với lớp 10, năm học 2024-2025 trung bình 44 học sinh/lớp cho tất cả các trường THPT công lập trên địa bàn toàn tỉnh (dự kiến khoảng 1.100 chỉ tiêu và không làm tăng số lớp).
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, nếu tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh thêm cho các trường THPT công lập (ngoài 1.100 chỉ tiêu nêu ở trên) thì sẽ tăng số lớp, trong khi đó số lượng biên chế giáo viên THPT năm 2024 giảm so sới năm 2023.
Vì vậy, nếu tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu bố trí kinh phí để các trường THPT chi trả dạy thêm giờ cho giáo viên...
Giải pháp nào để tháo gỡ?
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến để tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết, địa phương có 3.197 học sinh tốt nghiệp lớp 9. Trong đó, có 2.386 học sinh trúng tuyển các cơ sở giáo dục trên địa bàn (đạt tỷ lệ 71,9%). Hiện, còn 929 học sinh trên địa bàn huyện chưa được tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục.
Đối với trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện, hiện nay có 17 phòng nhưng đã có 13 lớp. Với số lượng học sinh còn lại, sau khi đã phân luồng thì phải tuyển sinh ít nhất trên 10 lớp nữa.
“Với số lượng học sinh còn quá đông, trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, khó khăn về kinh phí khi tuyển sinh thêm vào. Trên địa bàn huyện có những vùng sâu vùng xa nên các em học sinh không thể lên trung tâm giáo dục thường xuyên học được. Chúng tôi sẽ tính toán và có đề xuất cụ thể với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh sớm nhất để làm sao cho các em học sinh có đủ điều kiện để tham gia học”, bà Trinh chia sẻ.
Để số học sinh còn lại được tuyển sinh vào lớp 10, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đề xuất, điều chỉnh chỉ tiêu của các trường tổ chức thi tuyển nhưng còn thiếu. Đồng thời, bổ sung số lớp, số học sinh/lớp.
Để công tác tuyển sinh lớp 10 trong năm học tiếp theo đạt kết quả tốt nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đề nghị, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để thực hiện tốt việc phân luồng một cách chặt chẽ, đồng bộ để phụ huynh và học sinh thấy được hiệu quả của việc phân luồng. Qua đó, giúp các em xác định được năng lực của mình để chọn trường, đơn vị học phù hợp.
Đồng thời, kế hoạch tuyển sinh cần được ban hành sớm ngay từ đầu năm và lấy kiến rộng rãi để có sự đồng tình của toàn dân, đặc biệt là phụ huynh và học sinh. Mặt khác, việc chọn trường tổ chức thi tuyển cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Huyện Krông Pắk đang tính toán dạy 2 buổi/ngày để đảm bảo công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, để không có một học sinh không có trường để học.
Ông Y Wem H'wing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar cho hay, học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn huyện là 2.876 em, đã tuyển sinh 1.912 em. Hiện còn 738 học sinh chưa có trường để học. Để giải quyết vấn đề này, huyện đề nghị cho phép trung tâm giáo dục thường xuyên mở thêm 16 lớp, với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng để đủ chỗ cho các em học.
“Nếu chúng ta không có chủ trương, giải pháp căn cơ thì rất nhiều em sẽ không được đến trường. Do đó, huyện rất mong UBND tỉnh, các sở, ngành quan tâm để huyện Cư M'gar mở thêm 16 lớp nữa để đủ chỗ cho các em học”, ông Y Wem nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, bà H’Yim Kđor, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, phải nhìn nhận thực tế, thực tiễn của các địa phương để tìm giải pháp đồng bộ, hữu hiệu giải “bài toán” khó khăn, để các em có trường lớp tiếp tục học THPT.
Trên cơ sở rà soát dự báo số lượng học sinh, các đơn vị cần có phương án bố trí cho học sinh được học tại các cơ sở giáo dục, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp trường, Trung cấp nghề… Đặc biệt, cần có định hướng hướng dẫn cho phụ huynh hiểu những khó khăn vướng mắc đang gặp phải. Bên cạnh đó, quan điểm của tỉnh không để học sinh nào phải ngừng học vì thiếu trường, thiếu lớp.
Để giải quyết những khó khăn trong công tác tuyển sinh lớp 10, bà H’Yim Kđor cho biết, tỉnh Đắk Lắk thống nhất công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo về xin chủ trương tăng định mức số lượng trung bình 44 học sinh/lớp trên lớp để giải quyết khoảng 1.100 học sinh.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, các địa phương rà soát cơ sở vật chất, Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề bố trí số học sinh còn lại chưa có trường để học.
Đối với các trường THPT công lập tổ chức thi nhưng điểm chuẩn đạt thấp, chưa tuyển đủ số chỉ tiêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị, các trường không nên hạ điểm chuẩn để nhận đủ chỉ tiêu, không nên xét tuyển theo điểm để bổ sung các chỉ tiêu còn thiếu.
Đồng thời, cần tính toán cụ thể và chuẩn bị kỹ lưỡng các tình huống phát sinh và làm sao để người dân hiểu và đồng hành nhằm tạo sự công bằng cho tất cả học sinh...