Đắk Lắk chấn chỉnh đào tạo nghề sau loạt sai phạm bị phanh phui
Ngày 26/11, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020' (giai đoạn 2010 -2020, theo quyết định 1956 của Thủ Tướng Chính phủ), Ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đắk Lắk cho biết, đã kiểm tra và phát hiện sai phạm xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea H'leo.
Theo ông Hùng, việc trung tâm này sử dụng giáo viên không có chứng chỉ nghiệp vụ để dạy nghề là không đúng theo quy định. Tuy vậy, vấn đề này cũng xuất phát từ thực tế thiếu giáo viên dạy nghề mà tỉnh đang gặp phải. Sắp tới Sở LĐTB&XH sẽ làm việc trực tiếp với trung tâm đào tạo nghề các huyện để nắm nhu cầu học nghề. Từ đó, sở sẽ liên hệ với các đơn vị có chức năng cấp chứng chỉ để đào tạo đội ngũ giáo viên cho các trung tâm. Bên cạnh đó, sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trung tâm đào tạo nghề; ngăn chặn việc chi chế độ sai, chậm, muộn cho học viên. Thực tế, sau khi nắm bắt sai phạm đào tạo nghề tại huyện Ea H’leo, sở cũng đã chấn chỉnh ngay.
Trước đó, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea H’leo đã xảy ra nhiều sai phạm trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính Phủ). Cụ thể, trung tâm này để giáo viên không có chứng chỉ hành nghề đứng lớp, học viên bỏ ngang như vẫn kê khai học đủ số tiết… Sau đó, cơ quan chức năng các cấp vào cuộc, chỉ rõ sai phạm và chuyển hồ sơ điều tra sang công an.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong giai đoạn qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.022 lớp đào tạo nghề cho 35.629 lao động với tổng kinh phí thực hiện trên 105 tỷ đồng. Trong đó, lao động nông thôn được đào tạo có việc làm mới và làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập tăng lên đạt trên 82%. Qua thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn", đã hình thành một số mô hình có hiệu quả về kinh tế - xã hội, phù hợp với nhiều địa phương và đang được triển khai nhân rộng, đã có sự gắn kết hơn giữa đào tạo nghề với việc làm sau đào tạo.
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua như: Chỉ tiêu đào tạo nghề chưa đạt kế hoạch đề ra; một số địa phương chưa xác định rõ đối tượng ưu tiên đào tạo nghề, chưa quan tâm đến các yếu tố đặc thù về lao động nông thôn nên học xong không áp dụng hiệu quả vào thực tiễn; trang thiết bị đầu tư tại một số đơn vị chưa đáp ứng nhu cầu học nghề; một số cơ sở đào tạo nghề chưa thực sự chú trọng đến chất lượng đào tạo, cơ hội tìm việc làm và sử dụng nghề được đào tạo của học viên...