Đắk Lắk: Chương trình khuyến công thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn
Công tác khuyến công tại huyện Cư M'gar tỉnh Đắk Lắk đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, đầu tư máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, năng suất lao động, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất. Từ đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện.
Huyện Cư M’gar cách TP Buôn Ma Thuột 18 km về hướng Bắc, có tổng diện tích đất tự nhiên 82.450 ha, 17 đơn vị hành chính cấp xã. Toàn huyện có 189 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 73 thôn, buôn có đòng bào dân tộc thiểu số. Dân số toàn huyện hiện nay 177.760 người, gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số trên 47%; lực lượng lao động dồi dào, điển hình lực lượng lao động trong độ tuổi đang đi học ở huyện ngày càng tăng, tương lai đây là nguồn nhân lực tốt có thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản đảm bảo, có đường quốc lộ 14, Quốc lộ 29 và đường tỉnh lộ 8 đi qua, các xã đều có đường giao thông vào trung tâm huyện
Theo ông Lê Nam Cao – Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Nâng cao vai trò của ngành công nghiệp, đưa ngành công nghiệp dần trở thành ngành kinh tế chủ đạo, đóng vai trò qua trọng trong việc tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tạo việc làm cho người lao động.
Huyện Cư M’gar đã xây dựng Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 26/10/2016 của Huyện Ủy huyện Cư M’gar về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 trong đó có công tác khuyến công.
Thông qua hoạt động khuyến công cũng là cầu nối hiệu quả để tạo lên sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn với các cơ quan quản lý nhà nước. Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 huyện Cư M’gar đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, từng bước góp phần đổi mới công nghệ, cải tiến máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Việc hỗ trợ một phần kinh phí khuyến công hàng năm của Sở Công Thương đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mạnh dạn đàu tư để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, năng lực cạnh tranh nhằm phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn một cách bền vững, tạo tiền đề cho xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Cao, để đạt được kết quả đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xúc tiến thương mại. Qua đó, đã chủ động lồng ghép chương trình khuyến công với các chương trình, dự án khác cụ thể: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm gièo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, cuộc vận động “người Việt Nam dung hàng Việt Nam”; phối hợp triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị; xây dựng, quảng bá thương hiệu, tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất kinh doanh…
Thống kê từ UBND huyện Cư M’gar, giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện thực hiện được 03 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí 890.791.000 đồng, trong đó kinh phí đơn vị thụ hưởng là 585.791.000 đồng, kinh phí khuyến công hỗ trợ 305.000.000 đồng hỗ trợ cho 02 doanh nghiệp, 01 hộ kinh doanh trực tiếp thụ hưởng, các đề án đã thực hiện. Đề án Hỗ trợ máy móc thiết bị trong dây chuyền chế biến cà phê bột, Công ty cổ phần sản xuất cà phê bột Trung Hòa, tại thị trấn Quảng Phú, huyện CưM'gar; Đề án Hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất nước đá viên tinh khiết cho Hộ kinh doanh Phạm Văn Phụng, xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar. Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan cho Công ty TNHH K7 Coffee tại xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.
Trong hoạt động khuyến công giai đoạn 2016-2020, hàng năm đều triển khai cho UBND các xã, thị trấn trên địa bàn khảo sát, lựa chọn tìm tổ chức, hộ kinh doanh đủ điều kiện đăng ký kế hoạch theo chương trình khuyến công của tỉnh.
Năm 2020 đã hỗ trợ tư vấn cho Công ty Cổ phần sản xuất cà phê bột Trung Hòa tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Kết quả sản phẩm tham gia cà phê bột và cà phê hạt Trung Hòa đặc biệt được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực, sản phẩm sẽ được gửi đi bình chọn cấp quốc gia trong năm 2021. Đồng thời phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình mỗi xã hội một sản phẩm (OCCOP) trên địa bàn huyện, kết quả có 10 sản phẩm đạt 3 sao.
“Kết quả hoạt động khuyến công đã giúp cho các cơ sở công nghiệp xác định đầu tư đúng hướng, có hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, việc hỗ trợ ứng dụng, đổi mới thiết bị, công nghệ đã tạo cho cơ sở sản xuất công nghiệp từng bước hiện đại hóa trong sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”, - Chủ tịch UBND Cư M’gar - Lê Nam Cao chia sẻ.