Đắk Lắk còn 2 huyện dịch ở cấp độ 3 và 12 xã cấp độ 4
Chiều 15/11, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến ngày 15/11 trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2 đơn vị cấp huyện là huyện Krông Búk và thành phố Buôn Ma Thuột có dịch ở cấp độ 3 và 13 huyện, thị xã còn lại gồm: Buôn Đôn, Cư M'gar, Cư Kuin, Ea H'leo, Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, Krông Năng, Krông Pắk, Lắk, M'Đrắk và thị xã Buôn Hồ có dịch ở cấp độ 2.
Ở cấp xã, có 105 xã dịch ở cấp độ 1, 45 xã cấp độ 2, 22 xã cấp độ 3 và 12 xã dịch ở cấp độ 4.
Đặc biệt, tại thành phố Buôn Ma Thuột, từ ngày 6 đến ngày 9/11, qua xét nghiệm nhanh kháng nguyên toàn dân tại 21 xã, phường đã ghi nhận 191 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột quyết định tiếp tục xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho gần 19.500 người dân tại một số thôn, buôn có ổ dịch trong cộng đồng thuộc các phường: Ea Tam, Khánh Xuân, Tân Thành, Thống Nhất, Thành Nhất, Tự An và các xã Ea Kao, Ea Tu, Hòa Thắng.
Việc lấy mẫu xét nghiệm tại vùng có nguy cơ cao nhằm tăng cường sàng lọc chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng để cách ly điều trị nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 49 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 32% dân số toàn tỉnh và tại các xã dịch ở cấp độ 3, 4 có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời, trong thời gian qua trong số các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn thì đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khá lớn.
Vì vậy, để tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương cấp độ dịch 3, 4 và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Công văn số 11070/UBND-NC gửi các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành trong tỉnh yêu cầu tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quan tâm tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số về phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, in ấn tờ rơi tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng 2 thứ tiếng gồm tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn, chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tiếp tục duy trì các giải pháp bảo đảm cho sản xuất đời sống, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thích ứng với tình hình mới; chủ động nắm bắt tình hình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trong đời sống, việc làm, mất thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có hướng giải quyết kịp thời.
Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động như in ấn pano, áp phích để tuyên truyền và nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai cấp phát các ấn phẩm, báo, tạp chí cho các đối tượng thụ hưởng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định... bảo đảm hoàn thành “mục tiêu kép” vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện tốt các chính sách xã hội cho đồng bào.
Chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc cấp huyện, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phát huy vai trò người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số về công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn các thôn, buôn, tổ dân phố; không để người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; không hoang mang, dao động trước diễn biến dịch bệnh; tin tưởng tuyệt đối vào công tác chỉ đạo phòng, chống dịch và các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; tuyệt đối không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch nhằm phá hoại thành quả phòng, chống dịch của đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Đồng thời bảo đảm tốt an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để người dân bị thiếu đói do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đối với các huyện biên giới, thường xuyên tổ chức vận động nhân dân dọc tuyến biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng, công an, cùng các lực lượng khác trong nhân dân giám sát, kiểm tra, tham gia tuần tra bảo vệ, quản lý biên giới, bảo vệ “vùng xanh” ở nông thôn, góp phần phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.