Đắk Lắk đầu tư giao thông tạo đột phá phát triển
Tỉnh Đắk Lắk đang ưu tiên đầu tư những công trình giao thông lớn, có sức lan tỏa, đột phá, để tạo động lực phát triển.
Đắk Lắk đang nỗ lực xây dựng hạ tầng giao thông, mở nút thắt để phát triển kinh tế - xã hội.
Gỡ nút thắt giao thông
Đắk Lắk có vị trí quan trọng trong khu vực Tây Nguyên, nhưng hạ tầng giao thông của tỉnh chưa phát triển đồng bộ và đó là điểm nghẽn cho sự phát triển và thu hút đầu tư của địa phương này. Các phương thức vận tải trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào đường bộ, chiếm 95% phương thức vận chuyển, đường hàng không chỉ đảm bảo vận chuyển 5% còn lại.
Ông Phạm Văn Xây, Chánh văn phòng Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Đắk Lắk cho biết, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh đã triển khai xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn để tăng cường kết nối giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung như tuyến Quốc lộ 26, Quốc lộ 14, đường liên tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk... Hệ thống giao thông đối nội được gắn kết chặt chẽ, liên hoàn với hệ thống giao thông đối ngoại. Tuy nhiên, nhiều tuyến quốc lộ còn lại do khó khăn về nguồn vốn nên chưa được đầu tư, nâng cấp.
“Đắk Lắk còn nhiều khó khăn, phải cân đối thu chi từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, nên việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu”, ông Xây nói.
UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng các giải pháp phát triển giao thông, trong đó tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối với các khu du lịch, các khu, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng có tiềm năng phát triển kinh tế. Ưu tiên đầu tư các công trình, dự án có sức lan tỏa, tạo sự đột phá…
Kỳ vọng cao tốc, sân bay
Vừa qua, 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa đã ký công văn đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét bổ sung tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang vào quy hoạch triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam. Hai địa phương đề nghị xem xét chọn 2 hướng tuyến đầu tư cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang với chiều dài mỗi phương án là từ 100 - 110 km, được quy hoạch theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 27.000 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận định, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng còn những điểm nghẽn, nhất là về giao thông vận tải. Đường cao tốc sẽ là tuyến đường chiến lược nối rừng với biển, kết nối Tây Nguyên với đồng bằng duyên hải miền Trung, kết nối Hành lang vận tải Đông - Tây. Vì vậy, Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang là một trong những dự án động lực, có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển của Tây Nguyên.
“Tuyến cao tốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho Đắk Lắk và các địa phương Tây Nguyên, góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư, giải quyết vấn đề về lưu thông hàng hóa”, ông Bùi Văn Cường khẳng định.
Bên cạnh đường cao tốc, Đắk Lắk cũng muốn mở rộng công suất và mở đường bay quốc tế đến sân bay Buôn Ma Thuột. Theo thống kê, giai đoạn 2015 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk ước đạt hơn 2,9 tỷ USD. Song, hàng xuất khẩu của tỉnh hiện vẫn được vận chuyển bằng xe container rồi quá cảnh tại một số hệ thống cảng cạn ở các tỉnh lân cận.
Hiện sân bay Buôn Ma Thuột chưa nằm trong quy hoạch của Bộ GTVT về cảng hàng không quốc tế, nhưng việc mở đường bay quốc tế tại sân bay nội địa không còn quá khó khăn, khi hạ tầng tại sân bay đủ điều kiện để đáp ứng các chuyến bay quốc tế.
Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Bộ GTVT đã thống nhất về sự cần thiết của việc nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột và giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hợp lý.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dak-lak-dau-tu-giao-thong-tao-dot-pha-phat-trien-d133728.html