Đắk Lắk giám sát thực hiện chính sách, pháp luật ngành giáo dục
Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành GD&ĐT Đắk Lắk thực hiện đồng bộ phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Ngày 4/5, Đoàn giám sát số 51 của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) từ năm 2018 - 2023 tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
Tính đến hết năm 2022, Sở GD&ĐT có 57 ĐVSNCL trực thuộc với 4.084 người làm việc (3.957 biên chế viên chức và 127 hợp đồng lao động), giảm 229 biên chế viên chức và 10 hợp đồng lao động so với năm 2018.
Việc thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trực thuộc Sở cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Việc sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn được triển khai đảm bảo, cơ bản đã thực hiện đúng việc sáp nhập và gom các điểm trường lẻ.
Sở GD&ĐT đã triển khai hiệu quả việc sáp nhập Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Sau sáp nhập đã tinh gọn bộ máy nhà trường và đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Việc sắp xếp, xử lý cơ sở vật chất trong sáp nhập thuận lợi, sử dụng có hiệu quả.
Các cơ sở giáo dục đã thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả, thực hiện đồng bộ phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thực hiện công khai hóa về chất lượng giáo dục, nguồn lực cho giáo dục và tài chính của các cơ sở giáo dục. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, hoạt động của ngành GD&ĐT thời gian qua còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ giáo viên trên lớp theo quy định trên địa bàn còn chưa đảm bảo, còn tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là giáo viên tin học, ngoại ngữ ở cấp tiểu học, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ở cấp THPT; việc xã hội hóa các lĩnh vực liên quan đến giáo dục còn nhiều vướng mắc, do đó công tác sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường học trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện…
Tại buổi làm việc, Sở GD&ĐT kiến nghị với Đoàn giám sát một số nội dung như: đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét, rà soát để phân bổ biên chế viên chức phù hợp với tình hình của từng địa phương; xem xét giảm tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2030 xuống còn 5% so với số giao năm 2021 hoặc có cơ chế phù hợp đối với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn như tỉnh Đắk Lắk; đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Đề án “Giảm biên chế hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước trong các ĐVSNCL tỉnh Đắk Lắk” để thực hiện theo lộ trình hàng năm…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng ghi nhận những nỗ lực và kết quả của Sở GD&ĐT trong việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trực thuộc. Đồng thời đề nghị Sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị về việc đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.
Bên cạnh đó phải có giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn; xây dựng lộ trình triển khai hiệu quả việc chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao sau khi có đầy đủ cơ sở pháp lý; sắp xếp các ĐVSNCL theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; rà soát, sắp xếp giáo viên hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người học.