Đắk Lắk: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp

Các sở, ngành, địa phương phải luôn sát cánh, chia sẻ, lắng nghe, động viên giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Với tinh thần khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào, cấp đó giải quyết nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa nguồn lực cho địa phương. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…

UBND tỉnh đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển. Ảnh: Sơn Nam

UBND tỉnh đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định phát triển. Ảnh: Sơn Nam

Khó khăn và những điểm sáng

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 12.496 doanh nghiệp đang hoạt động gồm 11.528 doanh nghiệp và 968 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn. Cũng tại thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk có 746 hợp tác xã (HTX) và 5 liên minh HTX đang hoạt động. Không “ngoại lệ”, sau đại dịch Covid – 19 cùng hàng loạt các yếu tố tác động của những bất ổn của tình hình thế giới đã khiến các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk bị “ngấm đòn” sản xuất, kinh doanh, hụt giảm lớn về hiệu quả hoạt động.

Mặc dù, Chính phủ và địa phương đã có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh tiếp tục tăng. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có trên 800 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Bù lại bằng sự kỳ vọng khởi sắc, cũng trong 10 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 1.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn điều lệ đăng ký 8.314 tỷ đồng, giảm 34,9%; 328 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã quay lại hoạt động.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những khó khăn thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải “gồng mình” chống chọi để vượt qua, thời gian qua vẫn có nhiều tín hiệu khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu đem lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương trong thời điểm khó khăn.

Hàng chục doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp có thế mạnh trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản hàng hóa đã mạnh dạn chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống dây chuyền sản xuất, chế biến sâu đã thu về hàng triệu USD mỗi kỳ xuất khẩu hàng nông sản.

Song cùng với đó, hoạt động kinh tế tập thể, HTX có những chuyển biến tích cực, số HTX ứng dụng công nghệ cao vượt 4% kế hoạch, số HTX liên kết doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đạt 88% kế hoạch. Nhiều HTX nông nghiệp mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng sáng tạo khoa học kỹ thuật, công nghiệp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung thăm, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà máy bia Sài Gòn - miền Trung. Ảnh: Hoài Thu

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung thăm, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà máy bia Sài Gòn - miền Trung. Ảnh: Hoài Thu

Ông Đinh Xuân Hà – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh tại tỉnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN; hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ DN chuyển đổi số, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp…

Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh kịp thời. Từ đó, cùng với nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của các DN, HTX, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, HTX trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh qua các năm tiếp tục phát triển, hầu hết các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.

Nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp

Mới đây, qua khảo sát, đánh giá của hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên minh các HTX tỉnh, tại thời điểm này, điều các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang quan tâm nhất hiện nay là việc chính quyền và ngành chức năng triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã; những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Nhận thức rõ điều này, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững trên địa bàn, trong tháng 10 - 11/2023, tỉnh Đắk Lắk liên tục tổ chức các hoạt động như: hội thảo, hội nghị lãnh đạo chính quyền, hội nông dân gặp gỡ doanh nghiệp, người dân để cùng tháo gỡ rào cản, vượt qua khó khăn… hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp cho rằng, đây là động thái tích cực, phù hợp, kịp thời trong thời điểm hiện nay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, thời gian qua lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng DN, các DN có phát triển thì kinh tế - xã hội của tỉnh mới phát triển và kinh tế tư nhân chính là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong ngắn hạn và trung, dài hạn, các giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp DN mở rộng thị trường; tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề cho người lao động tại DN…luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm thực hiện và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

 Lãnh đạo UBND tỉnh và Hội nông dân tỉnh đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã.Ảnh: Sơn Nam

Lãnh đạo UBND tỉnh và Hội nông dân tỉnh đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã.Ảnh: Sơn Nam

Cũng trong tháng 10 vừa qua, với việc tổ chức hội nghị chuyên đề gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp nhằm lắng nghe doanh nghiệp đề xuất tháo gỡ khó khăn và những hiến kế để cải tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức đã được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đánh giá cao về hoạt động này.

Theo ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, việc lãnh đạo UBND tỉnh gặp mặt và trực tiếp đối thoại với các DN, HTX trên địa bàn tỉnh là cơ hội, là cách tốt nhất để trực tiếp lắng nghe, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng và trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo ông Nghị, những kiến nghị đề xuất và những hiến kế của DN, HTX cho lãnh đạo tỉnh cũng là nhằm để giải quyết thấu đáo, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật những vấn đề cần quan tâm tháo gỡ hiện nay.

Theo đó, về phía chính quyền, ngành chức năng cần tập trung các nhiệm vụ sát cánh, chia sẻ, lắng nghe, động viên giải quyết những khó khăn vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp với tinh thần khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào, cấp đó giải quyết nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, quan trọng hơn, về phía các DN, HTX cũng cần phát huy tinh thần vượt khó, chủ động đổi mới, thích ứng với điều kiện hiện tại để ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dak-lak-nhieu-giai-phap-thao-go-kho-khan-ho-tro-doanh-nghiep-139758.html