Đắk Lắk: Nỗ lực bảo vệ những vườn cây 'tiền tỷ'
Trước tình trạng nhiều vườn sầu riêng liên tục bị phá hoại, người dân và các ngành chức năng đã triển khai các giải pháp phòng ngừa, bảo vệ vườn cây 'tiền tỷ'.
Thiệt hại gần nửa tỷ đồng vì vườn sầu riêng bị cắt trụi
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 32.000ha sầu riêng, đây được xem là cây “tỷ đô” mang lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục bị kẻ gian phá hoại gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho nhiều hộ dân.
Bà Phạm Thị Lợi (SN 1968, trú tại xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vào chiều 21/5, bà đến vườn sầu riêng của gia đình tại xã Ea Yông (huyện Krông Pắk) thì phát hiện vườn sầu riêng có dấu hiệu bất thường.
Theo đó, nhiều quả sầu riêng non có dấu hiệu bị cháy xém, rụng hàng loạt, toàn khu vườn bốc mùi thuốc diệt cỏ nồng nặc. Nghi ngờ vườn sầu riêng của gia đình bị kẻ xấu xịt thuốc diệt cỏ để phá hoại, bà Lợi đã đến cơ quan công an trình báo.
Qua kiểm đếm, bà Lợi cho hay, có 27 cây sầu riêng nghi bị phun thuốc diệt cỏ. Đáng nói, sau 2 ngày phát hiện vụ việc, nhiều cây sầu riêng đã bị rụng trái hàng loạt. Những trái sầu riêng còn lại trên cây cũng đang thối rữa, thâm đen dần. Ước tính, sự việc xảy ra khiến gia đình bà thiệt hại hơn 300 triệu đồng, chưa kể thiệt hại về sự phát triển của cây sau này.
Bà Lợi cho biết thêm, vườn sầu riêng của gia đình bà được rào chắn kỹ càng. Gia đình bà cũng không có mâu thuẫn gì với hàng xóm sống xung quanh. Trước sự việc xảy ra, gia đình bà Lợi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ, truy tìm đối tượng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để người dân yên tâm canh tác.
Hiện, Công an huyện Krông Pắk đang tập trung lực lượng để điều tra vụ việc nói trên.
Cũng vào ngày 21/5, ông Lương Đức Dần (SN 1958) và con trai là Lương Văn Đức (SN 1983, cùng trú thôn 8, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) phát hiện vườn sầu riêng của gia đình bị kẻ gian đột nhập, chặt phá 1.460 trái sầu riêng (trọng lượng từ 0,5-2kg).
Ông Đức nhận định, gia đình ông có hơn 100 cây sầu riêng đã cho thu hoạch năm thứ 2, trồng trên diện tích 8 sào.
Tuy nhiên, nhiều khả năng, vào đêm 20/5, kẻ xấu đã lợi dụng trời mưa, đột nhập vào vườn rồi dùng kéo cắt phá sầu riêng của gia đình ông. Sau khi cắt phá, kẻ gian còn gom trái sầu riêng lại thành đống nhỏ để trong gốc cà phê. Qua thống kê, có đến 54 cây sầu riêng trồng khoảng 4-6 năm bị cắt phá, ước tính gây thiệt hại cho gia đình ông Đức gần 500 triệu đồng.
Chứng kiến những cây sầu riêng bị cắt trụi trái trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là cho thu hoạch nay, vợ ông Đức chết lặng, òa khóc nức nở.
Ông Đức chia sẻ: “Để có được vườn sầu riêng như hôm nay, vợ chồng tôi đã bỏ rất nhiều công sức, tiền đầu tư, chăm sóc trong thời gian dài từ 5-7 năm qua. Năm 2023, vườn bắt đầu thu bói được 2 tạ sầu riêng. Năm nay, gia đình dự tính sẽ thu sản lượng từ 8-10 tấn trái sầu riêng. Với sản lượng dự tính này, vợ chồng tôi bàn với nhau sẽ dành ít tiền sửa lại nhà, chi trả chi phí trong quá trình đầu tư và nuôi 3 con ăn học. Thế nhưng, chỉ sau một đêm, vườn sầu riêng đã bị phá hoại hơn một nửa khiến mọi người trong gia đình vô cùng bàng hoàng, hụt hẫng”.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, gia đình ông Đức đã trình báo sự việc đến chính quyền địa phương. Lãnh đạo UBND xã Ea Hu cho biết, vụ việc đang được Công an xã phối hợp với Công an huyện Cư Kuin tiếp tục điều tra, xác minh.
Trước đó, vào tháng 4/2024, vườn sầu riêng của một hộ dân trú tại xã Cư Kpô (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) cũng bị kẻ gian đột nhập, đẽo gọt hết phần vỏ dưới gốc cây.
Theo chủ vườn, chỉ trong 1 tháng, có tổng cộng 22 cây sầu riêng của hộ dân này bị đẽo hết phần vỏ gốc cây. Thời điểm bị đẽo hết phần vỏ dưới gốc, cây sầu riêng đang trong giai đoạn ra hoa nên rất dễ bị nấm, sâu bệnh tấn công và rất khó trao đổi chất, thậm chí có nguy cơ chết dần.
Triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa
Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng và các huyện trọng điểm trồng sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra, bảo vệ khu vực sản xuất sầu riêng của bà con nông dân.
Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch UBND xã Ea Hu cho biết, cứ vào mùa vụ sầu riêng, xã Ea Hu lại thành lập tổ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Qua đó, nhằm góp phần bảo vệ tài sản của nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Tại huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), UBND huyện này đã chỉ đạo các lực lượng công an, dân quân, thôn buôn tăng cường tuần tra hỗ trợ, giúp người dân trong công tác bảo vệ các vườn sầu riêng. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát ban đêm tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào những rẫy sầu riêng xa nhà dân.
Trung tá Lê Văn Thanh, Phó Trưởng Công an huyện Krông Búk cho biết, trong những năm vừa qua, trên địa bàn huyện Krông Búk, giá thành sầu riêng tăng cao, kéo theo đó là hoạt động tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan như: Trộm cắp tài sản, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản,..
Để chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm hình sự, đặc biệt là các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật phát sinh, dễ xảy ra trong mùa sầu riêng trên địa bàn, Công an huyện Krông Búk đã triển khai nhiều văn bản, biện pháp phòng ngừa.
Theo đó, hàng năm, căn cứ tình hình thực tế, Công an huyện đều chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan, công an các xã, thị trấn thực hiện tuần tra, kiểm soát trong đó tập trung vào các địa bàn có diện tích trồng cây sầu riêng lớn trên địa bàn.
Công an huyện Krông Búk cũng xây dựng mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc “Bản tin phòng ngừa tội phạm huyện Krông Búk” trên địa bàn huyện. Qua đó, đăng tải nhiều thông tin hữu ích liên quan đến phương thức, thủ đoạn và cách thức phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm phát sinh trong vụ mùa sầu riêng nói riêng.
Bên cạnh đó, Công an huyện Krông Búk thông báo tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong mùa vụ sầu riêng để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác.
Đồng thời, đề nghị người dân trồng sầu riêng trên địa bàn nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo vệ tài sản của bản thân và mọi người xung quanh, thành lập các tổ liên gia tự quản.
Đặc biệt, chú trọng các biện pháp bảo vệ vườn, rẫy sầu riêng như làm hàng rào bao kín vườn, rẫy, lắp đặt hệ thống camera giám sát, có người trông coi… tránh sơ hở để các đối tượng lợi dụng đột nhập cắt trộm, phá hoại vườn sầu riêng hoặc lấy trộm các tài sản khác có giá trị.
Trong 2 năm 2023 và 2024, Công an huyện Krông Búk đã tiếp nhận, giải quyết 9 vụ việc có dấu hiệu của tội phạm liên quan đến sầu riêng. Qua đó, đã điều tra xác minh làm rõ 8 vụ 11 đối tượng thực hiện, thu hồi nhiều tài sản liên quan.
Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư thêm hệ thống đèn điện, camera giám sát để kịp thời phát hiện người lạ ra vào rẫy, chủ động liên kết với các nhà rẫy xung quanh hợp sức bảo vệ loại cây có giá trị kinh tế cao này.
Luật sư Lê Xuân Anh Phú, Công ty Luật TNHH MTV Thành công và Cộng sự (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho biết, các đối tượng gây ra các vụ phá hoại vườn sầu riêng của người nông dân nói trên đã có dấu hiệu phạm vào tội Hủy hoại tài sản hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định tại Điều 178, BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Tùy vào mức độ hậu quả gây ra, các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Luật sư Phú khuyến cáo, khi phát hiện vườn sầu riêng bị phá hoại, người dân cần hạn chế di chuyển hoặc tác động thêm vào hiện trường. Bởi việc di chuyển hoặc tác động thêm vào hiện trường có thể làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, thu thập bằng chứng.
Bên cạnh đó, người dân cần ghi lại hiện trường, chụp ảnh hoặc quay phim lại hiện trường vụ việc một cách chi tiết, bao gồm vị trí, thời gian, tình trạng tài sản bị hủy hoại và các dấu vết liên quan. Việc bảo vệ hiện trường và thu thập bằng chứng là rất quan trọng để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách hiệu quả.
Mặt khác, người dân cần liên hệ công an địa phương để trình báo vụ việc. Đồng thời, giữ bình tĩnh và hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra...