Đắk Lắk nóng vấn đề chống phá rừng và sử dụng đất rừng hiệu quả
Tuần qua, Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng' (gọi tắt là Chỉ thị 13-CT/TW).
Theo đánh giá tại hội nghị, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và toàn thể người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Diện tích đất có rừng 501.206 ha, trong đó có 426.046 ha rừng tự nhiên, 75.160 ha rừng trồng, 232.423 ha đất chưa có rừng, độ che phủ rừng đạt 38,35 %.
Một trong những ý kiến đáng chú ý được báo chí địa phương ghi nhận tại Hội nghị là của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Đình Nhuận. Ông Nhuận cho biết: "Qua rà soát, diện tích đất có nguồn gốc lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 735.988 ha (chiếm 56,3% diện tích tự nhiên của tỉnh). Từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh đã cho thuê 44.061 ha đất để thực hiện 70 dự án nông lâm nghiệp và quản lý bảo vệ rừng. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra 26 dự án nông lâm nghiệp, thu hồi gần 5.582 ha của 9 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai. Để quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất, UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo các công ty lâm nghiệp hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh phương án sử dụng đất, điều chỉnh diện tích giao đất. Đối với UBND huyện nơi có đất, tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng đất, rừng, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về đất đai; khẩn trương hoàn thiện phương án sử dụng đất đối với diện tích đất nông lâm trường bàn giao về địa phương quản lý trình phê duyệt để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất và thu hút dự án đầu tư".
Hiện trường vụ án hủy hoại hơn 382ha rừng tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp - Ảnh: TTXVN
Ngay sau khi kết thúc hội nghị, ngày 24.4, Đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk gồm Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã kiểm tra hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp được báo chí phản ảnh.
Tiếp đó, đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Súp về công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn cho biết, trên địa bàn huyện có 43 đơn vị chủ rừng, thực hiện nhiệm vụ QLBVR với diện tích 146.234 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, toàn huyện tiếp nhận, xử lý 30 vụ vi phạm lâm luật; đã xử lý 17 vụ. Trên địa bàn huyên phát hiện 5 vụ hủy hoại rừng, trong đó, vụ án lớn nhất là phá hơn 382 ha rừng tại Tiểu khu 205 và Tiểu khu 222, xã Ya Tờ Mốt hiện cơ quan chức năng đang xử lý.
Thiếu tướng Lê Vinh Quy - Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho rằng, tình trạng phá rừng diễn ra ở nhiều tiểu khu và trong thời gian dài cho thấy chủ rừng là các doanh nghiệp, UBND các xã, các lực lượng chức năng trên địa bàn vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm được giao, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, ở một số tiểu khu ngoài việc xảy ra hủy hoại rừng cũng có rất nhiều nhà dân mọc lên, thậm chí có cả những ngôi nhà còn khá mới, đều do phá rừng, lấn chiếm đất để ở, canh tác, do đó cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, tỉnh đã chọn huyện Ea Súp làm điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác QLBVR. Do đó, lãnh đạo huyện phải nhất quán, quyết liệt trong lãnh đạo, thực hiện; tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; phát động phong trào toàn dân phát hiện, tố giác tội phạm về phá rừng và có cơ chế bảo vệ người tố giác; cán bộ, công chức, đảng viên từ huyện đến xã tự nguyện kê khai tài sản về đất đai.
Đối với vụ án phá rừng tại xã Ya Tờ Mốt đã được khởi tố, xác định đây là vụ án nghiêm trọng, có tổ chức, nên lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo, theo dõi.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Đắk Lắk yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện công tác điều tra, quan điểm là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, ngoại lệ, củng cố niềm tin trong quần chúng nhân dân. Theo đó, Công an tỉnh cần sớm khởi tố bị can; huyện Ea Súp hỗ trợ về hậu cần cho tổ công tác và phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trong quá trình điều tra, xử lý.