Đắk Lắk: Phát hiện nhiều vi phạm tại dự án kéo dài 14 năm

Qua kiểm toán về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư xây dựng kênh chính bắc từ K10+760, hệ thống kênh cấp 1 trở xuống hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện nhiều vi phạm, đồng thời kiến nghị xử lý tài chính gần 37 tỷ đồng.

Nhiều bất cập trong quản lý dự án đầu tư xây dựng

Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư ở tỉnh Đắk Lắk vào năm 2009. Dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 (thuộc Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư công trình đầu mối và hệ thống kênh. Riêng UBND tỉnh Đắk Lắk chọn chủ đầu tư xử lý việc giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù và di dân tái định cư. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 5 năm, tính từ ngày khởi công xây dựng. Thế nhưng, đến nay đã bước sang năm thứ 14, dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Dự án đã được Chính phủ gia hạn đến hết năm 2023.

Một trong những hạng mục kênh chính Bắc của Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng.

Một trong những hạng mục kênh chính Bắc của Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng.

Tuy nhiên, việc tổ chức đền bù, GPMB và triển khai thi công đang còn nhiều ngổn ngang. Qua kiểm toán, đoàn kiểm toán khu vực XII đã chỉ rõ nhiều bất cập, sai sót. Cụ thể, chủ đầu tư chưa tổ chức thí nghiệm công tác thi công Neoweb trước khi triển khai thi công đại trà cho toàn hệ thống kênh trong khi thực tế địa chất yếu, có nước ngầm dễ xảy ra hiện tượng sạt trượt và mất ổn định; chưa có giải pháp để kiểm soát chất lượng thi công các lớp đất đắp trên cống, trong khi đáy móng được đặt trên các lớp địa chất có tính thấm và ngập nước mạnh dẫn đến giảm nhanh khả năng sức chịu tải.

Theo Báo cáo kết quả kiểm toán đã được phát hành, diện tích đất tại vùng thực hiện dự án 2.860,2 ha chưa được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng dự án.

Hiện nay còn 383,02 ha rừng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng là chưa phù hợp theo quy định tại Điều 22, 23 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, khoản 2 Điều 19 Luật Lâm nghiệp năm 2017. Cùng đó, việc chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích 432,11 ha của toàn bộ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên UBND tỉnh tách diện tích rừng tại khu tái định cư số 2 với diện tích 49,09 ha (do Ban quản lý dự án tỉnh thực hiện điều tra rừng) để trình và đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Đặc biệt, diện tích rừng cần chuyển đổi đã giảm 324,55 ha nhưng chưa rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, công tác điều tra, phúc tra hiện trạng rừng phục vụ công tác chuyển mục đích sử dụng rừng còn sai sót. Chủ đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có số liệu tổng thể về diện tích đất thu hồi ngoài ranh dự án do đó chưa điều tra, phúc tra hiện trạng rừng tại các diện tích này.

Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nhiều sai sót

Ngoài việc đội vốn từ 2.900 tỷ đồng tăng lên 4.400 tỷ đồng, báo cáo kiểm toán cho thấy, chủ đầu tư dự án điều chỉnh tăng 0,5% chi phí phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không đúng quy định với số tiền gần 16,7 tỷ đồng.

Qua kiểm tra 100 bộ hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, đoàn kiểm toán chỉ ra nhiều tồn tại: Bồi thường, hỗ trợ cho 2 đối tượng khác nhau đối với cùng một thửa đất hoặc cùng 1 thửa đất nhưng hỗ trợ 2 lần cho 1 đối tượng, số liệu kiểm đếm để lập phương án cũng khác nhau mặc dù thời điểm kiểm đếm gần nhau; bồi thường, hỗ trợ với số lượng, khối lượng, đơn giá của nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng không phù hợp với biên bản kiểm đếm; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp không đúng đối tượng; hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân không đúng theo tỷ lệ diện tích thu hồi đất trên tổng diện tích đất; không xác nhận thời điểm cụ thể bắt đầu sử dụng đất ổn định của các hộ dân để làm căn cứ áp dụng mức hỗ trợ. UBND các xã còn xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định còn sai sót đối với các trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Cụ thể, đối với khu vực chưa thực hiện đo đạc địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thuộc Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai: Theo bản đồ địa chính khu vực lòng hồ Krông Pách Thượng xác lập tại thời điểm tháng 10/2011 thì có khoảng 360 ha không có các hộ dân, cá nhân sử dụng nhưng được bồi thường, hỗ trợ với thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định trước năm 2011.

Kiểm tra 64 thửa đất bị thu hồi có phần diện tích khoảng 20,4 ha (nằm trong 360 ha trên) được UBND các xã xác nhận thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định trước năm 2011 là chưa phù hợp với các tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ theo quy định tại điểm i khoản 2, 3 Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất tại các phương án được duyệt vượt mức được bồi thường, hỗ trợ nếu sử dụng đất ổn định sau thời điểm tháng 10/2011 khoảng hơn 530 triệu đồng. Kiểm tra 96 thửa đất tại các tờ bản đồ địa chính phục vụ thu hồi đất có phần diện tích đất khoảng hơn 11,9 ha nằm trong 22,1 ha trên, được UBND các xã xác nhận thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định trước thời điểm 1/7/2004 kiểm toán cũng thấy là chưa phù hợp với bản đồ địa chính thuộc dự án đo đạc tổng thể cấp giấy theo quy định…

Với những vi phạm, sai sót được chỉ ra qua công tác kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ đất không đủ điều kiện bồi thường đối với các trường hợp lấn, chiếm đất của các nông trường, lâm trường kể từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014; chuyển mục đích sử dụng rừng của toàn dự án.

Chỉ đạo thanh tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật đối với việc: Xác định thời điểm sử dụng đất tại các xã Cư Bông, Cư Yang, huyện Ea Kar; Cư San, Krông Á, huyện MDrắk; Cư Pui, huyện Krông Bông không đúng với các tài liệu về điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ. Điều tra, phúc tra hiện trạng rừng phục vụ công tác chuyển mục đích sử dụng rừng còn sai sót trong xác định diện tích rừng trong và ngoài ranh giới dự án. Bồi thường, hỗ trợ với số lượng, khối lượng, đơn giá của vật kiến trúc, cây trồng không phù hợp với biên bản kiểm đếm; hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân không đúng theo tỷ lệ diện tích thu hồi đất trên tổng diện tích đất…

Đoàn kiểm toán cũng đề nghị kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với việc: Trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại khu tái định cư số 2 với diện tích 49,09 trong tổng diện tích 432,11 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn sai sót tại Ban Quản lý dự án tỉnh; Giảm diện tích rừng 324,55 ha tại dự án theo Thông báo số 24 ngày 21/2/2022 của Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk… KTNN kiến còn nghị xử lý gần 37 tỷ đồng, gồm: Thu hồi, giảm thanh toán trên 18,7 tỷ đồng; giảm giá trị trúng thầu trên 18,2 tỷ đồng.

Nhật Uyên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/dak-lak-phat-hien-nhieu-vi-pham-tai-du-an-keo-dai-14-nam-i684064/