Đắk Lắk: Quá tải bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Tại Đắk Lắk, số người mắc các bệnh lý về thận và phải chạy thận nhân tạo ngày một tăng, trong khi máy móc, nhân lực phục vụ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn gây nên tình trạng quá tải.

Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 550 trường hợp bị suy thận mạn tính. Nếu như trước đây, bệnh suy thận mạn tính chỉ xuất hiện ở nhóm người trên 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tại tỉnh Đắk Lắk có ba đơn vị thận nhân tạo công lập là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ. Bệnh nhân đông, nhu cầu rất nhiều nhưng tại các bệnh viện, điều kiện trang thiết bị hạn chế. Điều này gây khó khăn trong công tác chữa trị. Theo thống kê, hiện số lượng bệnh nhân cộng dồn được chạy thận tại các đơn vị chỉ đạt khoảng 30-50% số bệnh nhân bị suy thận mạn tính. Còn rất nhiều người đang chờ được chạy thận nhân tạo, ghép thận…

Trước tình trạng nhu cầu của người dân rất nhiều và cần thiết, mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tổng hợp ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, Sở Tài chính tỉnh gửi UBND tỉnh về việc xin hỗ trợ nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị huyết học truyền máu và thận nhân tạo tại địa phương. Sở Y tế dự thảo văn bản của UBND tỉnh gửi các cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Hội đồng dân tộc Quốc hội và Ủy ban Dân tộc về việc đề nghị hỗ trợ từ nguồn kinh phí dự trữ cấp bách trong kế hoạch năm 2024- 2025 của Chính phủ để đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm huyết học truyền máu và các đơn nguyên thận nhân tạo cho địa phương với tổng số tiền hơn 85 tỷ đồng, gồm: Mua sắm Hệ thống máy xét nghiệm miễn dịch điện hóa phát quang và máy tách chiết và Real Time PCR tự động; trang bị thêm 50 máy thận nhân tạo, 1 hệ thống RO và phát triển 4 đơn nguyên thận nhân tạo theo 4 hướng của tỉnh.

B.T- TTXN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dak-lak-qua-tai-benh-nhan-chay-than-nhan-tao-post301327.html