Đắk Lắk: Quyết liệt bảo vệ rừng
Tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, tiếp tay, buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng và che giấu số liệu diện tích rừng bị mất…
Kịp thời ngăn chặn phá rừng, không để phát sinh những “điểm nóng”
Đó là chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk tại Kế hoạch Bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2025 trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch 01/KH-UBND, được ban hành ngày 03/01/2025).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, Kế hoạch được ban hành nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật, không để phát sinh những “điểm nóng” vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Đồng thời, chủ động thực hiện công tác PCCCR để hạn chế thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra, huy động lực lượng đủ mạnh nhằm chữa cháy kịp thời, không để cháy lớn, kéo dài gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã xác định các khu vực trọng điểm xảy ra phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và lấn chiếm đất rừng chủ yếu tại các huyện Cư M'gar, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Kar, M’Drắk; đặc biệt tại một số tiêu khu thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing, Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, Trung tâm bảo tồn Voi, cứu hộ động vật và Quản lý và bảo vệ rừng huyện Buôn Đôn; tại các khu vực có Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột như xã Cư San, huyện M'Drắk; xã Cư Pui, xã Cư Drăm huyện Krông Bông; xã Cư Bông, huyện Ea Kar và tại các khu vực có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án.
Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng phá rừng, xâm hại rừng, các đối tượng mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ, không để các vụ án tồn đọng, kéo dài; sớm đưa ra truy tố, xét xử các vụ án điển hình tại một số địa phương trọng điểm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết, trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; kiên quyết đình chỉ đối với các dự án có sai phạm, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương. Bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, giải quyết đất sản xuất, đất ở, việc làm cho người dân sống gần rừng; tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột phải đặt nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, tổ chức huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội để thực nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR trên địa bàn quản lý.
Năm 2023, qua kiểm toán Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020-2022”, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ ban hành quy định trường hợp cụ thể được thực hiện việc giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân để quản lý, bảo vệ rừng nhằm tránh tình trạng khi các chủ rừng đã được giao và thực hiện đủ biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Đề án việc làm do UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng vẫn thực hiện phương án giao khoán bảo vệ rừng cho người dân.
Đảm bảo phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn
Để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy rừng, tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị phải xác định cấp dự báo cháy rừng thông qua việc lắp đặt Biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng đặt tại trụ sở các đơn vị, đầu mối giao thông khu gần các khu vực dễ có khả năng xảy ra cháy rừng theo 5 cấp, từ cấp I đến cấp V. Căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm cấp huyện phối hợp với các Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk và các cơ quan thông tin, truyền thông cấp huyện thông tin cấp dự báo cháy rừng liên tục hàng ngày trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng khi cấp dự báo đến cấp IV và cấp V.
Những nhiệm vụ quan trọng nữa là phải xác định khu vực trọng điểm cháy rừng và tổ chức thực hiện công tác thường trực bảo vệ, PCCCR. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ rõ, Khu vực 1 có nguy cơ cháy rừng rất cao gồm các huyện: M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk, Krông Năng, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ; trong đó, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao là khoảng 62.487 ha. Tỉnh đã xác định các khu vực cụ thể cần được chú trọng gồm: 38.824 ha rừng trồng tại huyện M’Drắk; 5.535 ha rừng trồng tại huyện Ea Kar khoảng; 3.822 ha rừng trồng tại huyện Krông Bông; 6.595 ha rừng trồng tại huyện Krông Năng; 4.418 ha rừng trồng tại huyện Lắk; 2.550 ha rừng trồng tại huyện Krông Búk và khoảng 743 ha rừng trồng tại Thị xã Buôn Hồ.
Khu vực 2 có nguy cơ cháy rừng cao gồm các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo; trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao vào khoảng 194.779 ha, bao gồm diện tích rừng tự nhiên có trạng thái là rừng rụng lá và diện tích rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng). Các khu vực cần phải được chú trọng đặc biệt trong công tác phòng cháy, chữa cháy gồm: 67.453 ha rừng tự nhiên và rừng trồng tại huyện Ea Súp; 97.002 ha rừng tự nhiên và rừng trồng tại huyện Buôn Đôn; 30.323 ha rừng tự nhiên và rừng trồng tại huyện Ea H’leo.
Khu vực 3 có nguy cơ cháy rừng, gồm các huyện: Cư M’gar, thành phố Buôn Ma Thuột, Krông Pắc và Krông Ana, Cư Kuin; trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy là khoảng 15.929 ha. Các khu vực cần phải được chú trọng gồm: 5.620 ha rừng tự nhiên có trạng thái là rừng rụng lá tại huyện Cư M’gar; 3.464 ha rừng trồng tại huyện Krông Pắc; .718 ha rừng trồng tại huyện Krông Ana; 1.963 ha rừng trồng tại huyện Cư Kuin và khoảng 2.163 ha rừng trồng tại Thành phố Buôn Ma Thuột.
Phân giao nhiệm vụ cụ thể nhằm quyết liệt bảo vệ và phòng chống cháy rừng, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk giao Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Khi dự báo cấp nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm), Chi cục Kiểm lâm phân công thường trực 24/24 giờ trong ngày, đảm bảo tiếp nhận thông tin kịp thời về tình hình diễn biến cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.../.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dak-lak-quyet-liet-bao-ve-rung-37985.html