Đắk Lắk: Sẽ kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện kiểm tra đối với 39 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngày 19/4, ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã ban hành Kế hoạch “Kiểm tra chuyên đề An toàn thực phẩm” năm 2023.
Theo đó, từ ngày 15/4 – 15/5/2023, các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện kiểm tra đối với 39 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh; nhằm tăng cường công tác kiểm tra về lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ đó kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong sử dụng nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong đó, tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến, bao gói sẵn, các mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương như rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo....
Các nội dung kiểm tra theo kế hoạch sẽ là Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); Giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm; Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Việc thực hiện các quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ; Việc thực hiện quy định về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm; việc thực hiện niêm yết giá hàng hóa; Nhãn hàng hóa; nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; tính hợp pháp của hàng hóa; Lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định (khi cần thiết).
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu, thông qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thực hiện tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và kịp thời cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.