Đắk Lắk tìm giải pháp xuất khẩu sầu riêng sau cảnh báo đỏ

Tỉnh Đắk Lắk đưa ra nhiều giải pháp, tránh việc sầu riêng nhiễm Cadimi, chất vàng Ô, hướng đến xuất khẩu sầu riêng bền vững.

Ngày 22-5, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tuân thủ quy trình sản xuất, tránh việc để tồn dư Cadimi (kim loại nặng), chất vàng O (chất tạo màu) trên sầu riêng.

Tìm nhiều giải pháp để sầu riêng Đắk Lắk an toàn xuất khẩu

Theo ông Văn, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về chất lượng, sản lượng, quy trình sản xuất sầu riêng đối với các mã số vùng trồng, mã số đóng gói trên địa bàn; không để tình trạng tuồn hàng từ nơi khác về lấy nhãn mác sầu riêng Đắk Lắk.

 Một kho hàng sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: N.N

Một kho hàng sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: N.N

Cũng theo ông Văn, trước thực trạng Trung Quốc kiểm soát gắt gao các tiêu chí về chất vàng O, Cadimi, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đề xuất Trung ương hỗ trợ thành lập trung tâm kiểm dịch thực vật nguy hại tại tỉnh này.

Việc này nhằm kiểm tra nhanh các loại côn trùng nguy hại, bị cấm khi xuất khẩu. Đồng thời giúp người dân, doanh nghiệp kiểm tra nhanh chất vàng O, chất Cadimi tồn dư trên sầu riêng hoặc các loại trái cây xuất khẩu khác.

“Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất nhưng chưa được chấp nhận vì nhiều vấn đề liên quan kinh phí, con người. Mới đây, tỉnh tiếp tục đề xuất Trung ương thành lập trung tâm kiểm dịch thực vật nguy hại tại Đắk Lắk nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi xuất khẩu”- ông Văn nói với PV.

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp Hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc Trung Quốc kiểm soát gắt gao Cadimi, chất vàng Ô là một thách thức đối với ngành hàng sầu riêng Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để người dân, doanh nghiệp hướng đến trồng, chăm sóc, xuất khẩu sầu riêng bền vững.

 Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk năm 2024. Ảnh: N.N

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk năm 2024. Ảnh: N.N

Theo ông Côn, sầu riêng Đắk Lắk khó nhiễm Cadimi hơn những vùng trồng khác vì được trồng chủ yếu trên đất đỏ bazan màu mỡ. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp trong quá trình chăm sóc, người trồng bón phân, sử dụng thuốc thiếu khoa học, dẫn đến việc sầu riêng bị nhiễm Cadimi.

Ông Côn cho hay để chủ động khi đưa sầu riêng xuất khẩu trước những thách thức mới, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk đã phối hợp với Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên lấy mẫu đất, nước, phân bón trên diện rộng để xét nghiệm, phân tích, có đánh giá tổng quan.

“Khi có kết quả xét nghiệm, nếu có vùng nào xảy ra hiện tượng nhiễm Cadimi thì sẽ tập trung tìm nguyên nhân, hướng khắc phục. Chúng tôi phải hành động, chủ động để có những đánh giá khách quan, chính xác nhất về sầu riêng Đắk Lắk”- ông Côn nói.

Cần có khuyến cáo, biện pháp khắc phục cụ thể

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, người trồng sầu riêng ở ngụ huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua ông đã nhận các khuyến cáo của chính quyền địa phương liên quan việc sầu riêng xuất khẩu nhiễm Cadimi, chất vàng O.

 Một cơ sở kinh doanh sầu riêng tại Đắk Lắk. Ảnh: N.N

Một cơ sở kinh doanh sầu riêng tại Đắk Lắk. Ảnh: N.N

Hiện sầu riêng tại Đắk Lắk còn non, vài tháng nữa mới tới thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, để tránh việc sầu riêng bị nhiễm Cadimi, vụ mùa năm nay, ông Tâm cũng như nhiều người trồng sầu riêng trong vùng chuyển hẳn sang dùng các loại thuốc sinh học để phòng trừ nấm, sâu bệnh.

Ông Tâm cũng thường xuyên nghe ngóng thông tin, học hỏi các quy trình sản xuất sầu riêng bền vững trên mạng.

Dù vậy, ông Tâm tỏ ra lo lắng, mong muốn được các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá việc tồn dư Cadimi trong đất, trong nước…để có khuyến cáo, biện pháp khắc phục cụ thể hơn.

“Chúng tôi chỉ biết Cadimi có trong các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Vì vậy, chúng tôi chuyển sang dùng các chế phẩm sinh học. Việc Cadimi có trong đất, nước hay không, nông dân không thể biết nên rất cần các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn hỗ trợ, đánh giá”- ông Tâm nói.

Theo ông Bùi Tin, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Krông Pắc, Cadimi chủ yếu tồn tại trong các loại phân bón, đặc biệt là loại phân bón có hàm lượng lân cao.

Vì vậy, thời gian qua ông đã hướng dẫn người trồng sầu riêng hạn chế các dòng phân bón có hàm lượng lân cao.

Ông Bùi Tin cho rằng nông dân không dùng chất vàng O, đây là vấn đề của các doanh nghiệp bảo quản sầu riêng.

 Hiện trái sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk đang nhỏ, vài tháng nữa mới cho thu hoạch. Ảnh: N.N

Hiện trái sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk đang nhỏ, vài tháng nữa mới cho thu hoạch. Ảnh: N.N

Ông Bùi Tin cũng cho rằng việc mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng bị lợi dụng là cách làm phi pháp, chỉ vì cái lợi trước mắt của một số doanh nghiệp.

“Trước đây, người trồng sầu riêng chưa có ý thức cao để bảo vệ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, những năm gần đây, người trồng sầu riêng thường xuyên được tập huấn, được chính quyền tuyên truyền nên rất cẩn trọng trong hợp tác làm ăn và rất ý thức để bảo vệ mã số vùng trồng”- ông Bùi Tin nói.

Đề nghị tăng cường quản lý ngành hàng sầu riêng

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 38.800 ha sầu riêng, trong đó có hơn 22.000 ha đã cho thu hoạch. Năm 2024, sản lượng sầu riêng Đắk Lắk đạt gần 362.000 tấn. Năm 2025, sản lượng sầu riêng Đắk Lắk ước đạt trên 400.000 tấn.

Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 23 cơ sở đóng gói, 68 mã số vùng trồng sầu riêng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, với tổng diện tích vùng trồng khoảng 2.521 ha, chiếm khoảng 25% diện tích trồng thuần.

Ngoài ra, có 16 cơ sở đóng gói, 228 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 5.400 ha đã hoàn tất hồ sơ và đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, chiếm khoảng 54% diện tích trồng thuần.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị tăng cường giám sát, quản lý hoạt động thu mua, xuất khẩu sầu riêng nhằm nâng cao chất lượng ngành hàng sầu riêng tại địa phương.

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp chủ động kiểm tra, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là các kim loại nặng, như Cadimi và chất vàng O trong quá trình chăm sóc, sơ chế, đóng gói sầu riêng xuất khẩu...

TIẾN THOẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/dak-lak-tim-giai-phap-xuat-khau-sau-rieng-sau-canh-bao-do-post851199.html