Đắk Lắk với bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước để thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, đến nay, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, điều này đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ.
Trong giai đoạn 2021–2024, tỉnh Đắk Lắk đã dành 35,7% tổng chi ngân sách địa phương cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề với trên 28.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ và nhân lực chất lượng cao còn rất thấp. Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường 333 chia sẻ, hiện công ty đang đẩy mạnh tự động hóa các khâu sản xuất, nhưng lại thiếu hụt nghiêm trọng công nhân kỹ thuật lành nghề buộc đơn vị phải tự đào tạo nội bộ theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Dù 75% lao động trong công ty đã có bằng cấp, nhưng nhân lực kỹ thuật chuyên sâu, nhất là những vị trí đòi hỏi kiến thức hiện đại và tư duy đổi mới sáng tạo… thì rất thiếu.

Công ty CP mía đường 333 đang đẩy mạnh tự động hóa các khâu sản xuất, nhưng lại thiếu hụt nghiêm trọng công nhân kỹ thuật lành nghề.
Ông Nguyễn Bá Thành chia sẻ: “Công nghệ cao hầu như là chưa có chương trình đào tạo về ngành mía đường mà chúng tôi chủ động đào tạo tại chỗ, tay nghề cao đào tạo cho tay nghề thấp. Người cũ đào tạo cho người mới để vận hành. Nếu nhà máy gửi đi đào tạo ở một đơn vị nào khác không đúng ngành nghề thì cũng vô nghĩa, không giải quyết được vấn đề trong công việc của chúng tôi”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, vấn đề thiếu nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên hiện nay, có những vướng mắc chưa lời giải ngay từ đầu vào. Cụ thể, trong số 35 ngành đào tạo đại học của trường, có nhiều ngành rất phù hợp đặc thù của địa phương, có triển vọng về việc làm và thu nhập sau khi ra trường, lại không hấp dẫn thí sinh đăng ký: “Khối ngành nông lâm tuyển sinh rất thấp, như năm 2024 chỉ đạt hơn 50%. Tuy nhiên trong báo cáo thu nhập việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp nhìn chung sinh viên khối ngành nông nghiệp lại có mức thu nhập bình quân cao hơn những khối ngành khác nhưng các em lại không chọn ngành này để theo học. Vì vậy cũng đang có sự vênh về nhu cầu xã hội”.

Đắk Lắk hướng tới đào tạo gắn với sử dụng, giúp người học có thể lập nghiệp ngay tại quê nhà.
Ở khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk là tỉnh đông dân vượt trội, với hơn 2 triệu người, nhưng chất lượng nguồn nhân lực đang là điểm yếu. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Thiên Văn, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở tỉnh mới đạt hơn 22%. Đáng chú ý, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao đặc biệt thấp ở các lĩnh vực cần công nghệ tiên tiến, điều hành số, sản xuất tự động hóa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của kinh tế địa phương.
“Tỉnh Đắk Lắk hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp tầm quy mô hoạt động lớn, toàn nhỏ và siêu nhỏ, cho nên cũng liên quan đến quá trình đào tạo. Tất nhiên ở đây có những chuyên ngành gắn với khâu thực hành nhưng khả năng doanh nghiệp đó phải mở rộng và phát trển quy mô lên thì mới tiếp nhận lao động được”, ông Nguyễn Thiên Văn cho hay.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở Đắk Lắk mới đạt hơn 22%
Theo đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội, Đắk Lắk có tiềm năng lớn nhưng tỉnh cần một chiến lược dài hạn, đồng bộ và thực chất hơn về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách thu hút người tài, nhất là người dân tộc thiểu số. Đồng thời cần tăng cường liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền để xây dựng hệ sinh thái nhân lực, đào tạo gắn với sử dụng, giúp người học có thể lập nghiệp ngay tại quê nhà.

Ngành nông nghiệp rất phù hợp đặc thù của địa phương, có triển vọng về việc làm và thu nhập sau khi ra trường, lại không hấp dẫn thí sinh sinh đăng ký ( Ảnh Khánh Vân)
Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa xã hội của Quốc hội cho rằng, vấn đề này càng trở nên gấp rút hơn, khi việc sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện… đã bước sang giai đoạn cuối. Một tỉnh Đắk Lắk mới rộng hơn với hàng trăm xã trực thuộc tỉnh, càng cần chiến lược nguồn nhân lực phù hợp: “Sắp tới đây địa bàn mở rộng như vậy, thế thì chúng ta phải có những điều chỉnh về mặt định hướng các ngành nghề đào tạo, quy mô địa bàn và tỉnh cũng cần có chủ động đề có phương án trong thời gian tới. Thứ hai là quan tâm về công tác tư vấn nghề nghiệp để thu hút vào các ngành doang nghiệp đang có nhu cầu lớn như nông nghiệp, lâm nghiệp”.
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, không chỉ là nhu cầu trước mắt mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Đắk Lắk trong tương lai. Chỉ khi nhân lực được phát triển đúng hướng, địa phương mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế và vươn lên mạnh mẽ trong quá trình đổi mới và hội nhập.