Đắk Lắk yêu cầu đẩy nhanh cấp phép mỏ vật liệu để thi công cao tốc nối Khánh Hòa

Chủ tịch Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị yêu cầu các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu để đáp ứng việc thi công dự án, khẩn trương hoàn thiện công tác nhân sự phục vụ dự án.

Ngày 27.6, UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, Đoàn công tác của UBND tỉnh vừa tiến hành khảo sát tại một số nút giao, vị trí có dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua nhằm đánh giá công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng của các đơn vị.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và thành viên Đoàn công tác tại vị trí xây dựng cao tốc qua xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc.

Tại buổi kiểm tra, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục khảo sát cụ thể để cắm mốc tuyến. Khi hoàn thành sẽ tiến hành bàn giao cho các huyện và các địa phương này phải chịu trách nhiệm trước tỉnh nếu xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân xây dựng công trình, trồng cây trên khu vực có dự án đi qua.

Bên cạnh đó, ông Phạm Ngọc Nghị cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu để đáp ứng việc thi công dự án, khẩn trương hoàn thiện công tác nhân sự phục vụ dự án.

Được biết, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 vừa được Quốc hội Khóa 15 thông qua chủ trương đầu tư.

Dự án dài 117,5 km, điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1 (khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột (thuộc địa phận huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32 km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa. Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5 km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk và Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỉ đồng, về tiến độ thực hiện năm 2022 triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, dự kiến cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.

Việc đầu tư dự án nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Hồ Đông

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dak-lak-yeu-cau-day-nhanh-cap-phep-mo-vat-lieu-de-thi-cong-cao-toc-noi-khanh-hoa-183608.html