Đắk Nông còn nhớ...

Quốc lộ 14 từ TP. Buôn Ma Thuột về TP. Gia Nghĩa uốn lượn, thi thoảng băng qua một đoạn đèo dốc ngắn. Càng về phía tỉnh Đắk Nông càng xuất hiện nhiều những đồi thông xanh như ở Lâm Đồng.

Bút ký của PHẠM XUÂN HÙNG

Bút ký của PHẠM XUÂN HÙNG

Quốc lộ 14 từ TP. Buôn Ma Thuột về TP. Gia Nghĩa uốn lượn, thi thoảng băng qua một đoạn đèo dốc ngắn. Càng về phía tỉnh Đắk Nông càng xuất hiện nhiều những đồi thông xanh như ở Lâm Đồng. Đi cùng tôi là một nhà báo của kênh truyền hình quốc gia khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, anh cứ xuýt xoa trước khung cảnh đang chạy giật lùi ven đường. Cao nguyên M’Nông, miền đất phía nam Tây Nguyên là đây, vẫn thấm đẫm một không gian thơ mộng và huyền hoặc của núi đồi Tây Nguyên.

Tôi đã có nhiều chuyến đi về miền đất này, để khai thác tư liệu về sử thi của người M’Nông, tìm hiểu về những di tích văn hóa, lịch sử trên vùng đất này. Cách đây chừng hai thập niên, khi Gia Nghĩa còn là thị xã tỉnh lỵ, chỉ có vài con đường nhựa ở nội thị, tỏa ra xung quanh là những con đường cấp phối, đường đất. Rời Gia Nghĩa về các huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức… còn hoang vắng hơn. Tôi nhớ lần ghi hình nhà hát kể sử thi Điểu Kâu, trời đã tối, chúng tôi phải dùng tới ánh đèn pha của xe ô tô. Còn ở Tuy Đức, xã Đắk Búk So là huyện lỵ hình như chỉ có một ngã tư với hai con đường nhựa giao nhau ở trung tâm hành chính.

Thế nhưng giờ đây, một khung cảnh mới mẻ hiện ra. Gia Nghĩa đã đành, thành phố mang một dáng vóc đô thị vạm vỡ, những đường phố rộng rãi có dải phân cách trồng nhiều loại hoa rực rỡ. Phố vẫn còn thưa dân nhưng bù lại có rất nhiều công viên, hồ nước, cây xanh.

Gia Nghĩa ngày nay mang một dáng vóc đô thị vạm vỡ. Ảnh tư liệu

Gia Nghĩa ngày nay mang một dáng vóc đô thị vạm vỡ. Ảnh tư liệu

Tiến về các huyện thị vùng ven, lại ngạc nhiên, như thị trấn Kiến Đức được quy hoạch bài bản, đường nhựa dọc ngang bàn cờ, phố xá hiện hình tấp nập. Xã Đắk Búk So còn khiến tôi ngạc nhiên hơn khi mọi thứ điện, đường, trường, trạm được xây mới ngăn nắp và thông thoáng.

Điện, đường, trường, trạm.. ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) được xây mới ngăn nắp và thông thoáng. Ảnh: Hưng Nguyên

Điện, đường, trường, trạm.. ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) được xây mới ngăn nắp và thông thoáng. Ảnh: Hưng Nguyên

Bạn tôi là Nguyễn Tuân, nhà ở ngay thị trấn Kiến Đức. Là bạn nhưng Tuân nhỏ tuổi hơn. Tuân là chủ một trang trại ở cách nhà tầm hơn mười cây số, trang trại rộng hơn 30 héc ta, một phần trồng cây cao su, một phần trồng cây mắc ca, còn lại chia ra nhiều diện tích trồng sầu riêng và các loại cây ăn quả khác, trồng tre lấy măng, đào ao thả cá… Tôi bảo, sao chia ra nhiều hạng mục thế, Tuân cười bảo: Nguyên tắc mà anh, không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ. Tôi lại hỏi Tuân thu nhập bao nhiêu từ trang trại, Tuân cười: Em chưa tính được vì có bao nhiêu em lại dùng tiền lãi đó tiếp tục đầu tư, mở rộng và nâng cấp trang trại. Hiện tại, chỉ cao su là khai thác nhiều, cây con khác mới bắt đầu thu hoạch nên mỗi tháng chỉ tầm hơn trăm triệu…

Tuân là người quảng giao, qua Tuân tôi gặp khác nhiều anh em là cán bộ huyện, xã ở Đắk R’lấp, Tuy Đức. Chúng tôi cùng nhau lái ô tô chạy một vòng dọc đường biên giới. Tỉnh Đắk Nông có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia dài hơn 140 km. Ô tô chạy dọc đường biên giới từ Đắk Búk So ngược lên phía Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, đến tận cửa khẩu Bu P’răng. Đường nhựa phẳng lỳ, hai bên rừng còn xanh màu nguyên sinh, vài lúc hiện ra những đồi cỏ tự nhiên nhưng xanh mướt như những đồi cỏ ở các sân gôn.

Những đồi cỏ tự nhiên vùng biên giới Tuy Đức đẹp như sân gôn. Ảnh: Xuân Hùng

Những đồi cỏ tự nhiên vùng biên giới Tuy Đức đẹp như sân gôn. Ảnh: Xuân Hùng

Đất đai ở hai xã biên giới của huyện Tuy Đức là Đắk Búk So và Quảng Trực rất màu mỡ. Một thời khoai lang Nhật Bản thương hiệu Đắk Búk So nổi tiếng không chỉ ở miền Trung – Tây Nguyên mà còn cả nước.

Khoai lang giống Nhật Bản ở Tuy Đức được các chuyên gia đánh giá chất lượng vượt trội so với những nơi khác. Ảnh tư liệu

Khoai lang giống Nhật Bản ở Tuy Đức được các chuyên gia đánh giá chất lượng vượt trội so với những nơi khác. Ảnh tư liệu

Tuân cũng là một trong những người đầu tiên đưa giống khoai này từ Lâm Đồng về trồng thử nghiệm ở đây. Tuân kể, ngay trong lần xuống giống đầu tiên, sau khi thu hoạch, các chuyên gia Nhật Bản đã về khảo nghiệm và đánh giá chất lượng khoai lang giống Nhật Bản ở Tuy Đức vượt hẳn những nơi khác. Từ đó, diện tích khoai lang ở Đắk Búk So ngày càng mở rộng với nhiều giống khoai, nhưng riêng khoai lang Nhật Bản đã nâng diện tích lên xấp xỉ 2000 héc ta, chiếm hơn 80% diện tích khoai lang toàn huyện, mỗi năm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa chừng hơn 2 vạn tấn!

Một vòng quanh các xã ở hai huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức cho chúng tôi cái nhìn mới về Đắk Nông. Đành là nông thôn đang khởi sắc, kinh tế nông nghiệp đang khẳng định ưu thế nhưng quan trọng là các giống cây trồng mới có giá trị đã định hình.

Hôm tôi ghé thăm, các anh lãnh đạo xã Quảng Trực và Đắk Búk So hồ hởi kể về vụ mùa năm nay giá cả nhiều mặt hàng nông sản lên cao như hồ tiêu, mắc ca, sầu riêng… Nhiều hộ nông dân trúng lớn, tính ra tiền tỷ.

Vẫn chưa hết, tiềm năng xem ra còn nhiều. Tình cờ tôi gặp chị Thái Thị Mỹ Kiều, tiến sĩ nông học chuyên ngành công nghệ sinh học và dược liệu cùng đoàn công tác ở thành phố Hồ Chí Minh lên đây. Chị kể với tôi, đang đi thực địa để đánh giá và xác định những khu vực có thể trồng và phát triển các loài cây dược liệu dưới tán rừng. Vậy là sẽ còn những cánh cửa nữa mở ra.

Đường nhựa vùng biên giới huyện Tuy Đức. Ảnh: Xuân Hùng

Đường nhựa vùng biên giới huyện Tuy Đức. Ảnh: Xuân Hùng

Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông Trường Sơn từ Tuy Đức đi Lộc Ninh – Chơn Thành (Bình Phước). Ảnh: Xuân Hùng

Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông Trường Sơn từ Tuy Đức đi Lộc Ninh – Chơn Thành (Bình Phước). Ảnh: Xuân Hùng

Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Hùng

Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Hùng

Cửa khẩu Bu P’răng của tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Xuân Hùng

Cửa khẩu Bu P’răng của tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Xuân Hùng

Tôi nói còn nhiều những cánh cửa mở ra là vì tiềm năng còn chưa khai thác hết. Nói về du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, dọc theo vùng biên này không chỉ có rừng mà còn có nhiều thác, hồ nước đẹp như thác Đắk Glun, về du lịch văn hóa, lịch sử có các di tích như Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông Trường Sơn từ Tuy Đức đi Lộc Ninh – Chơn Thành (Bình Phước), các điểm di tích lịch sử gắn với thủ lĩnh Nơ Trang Lơng như đồn Bu mê ra, di tích Henry Maitre. Gắn liền với các tour, tuyến du lịch sẽ là những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực với đồng bào các dân tộc tại chỗ như xem biểu diễn cồng chiêng, nghe hát kể sử thi, thưởng thức rượu cần và những món ăn vùng cao Tây Nguyên.

Đêm cuối chia tay Đắk Nông, chúng tôi nghỉ lại ở Đắk Búk So. Chếnh choáng trong hơi men rượu cần tôi bỗng nhớ lại một thời chúng tôi say mê bài hát Hoàng hôn màu lá của cố nhạc sĩ Thanh Tùng. Nếu tôi nhớ không nhầm thì ca khúc đó được nhạc sĩ viết trong giai đoạn phong trào Thanh niên xung phong tình nguyện lên khai hoang vỡ đất ở Tây Nguyên, trên cao nguyên M’Nông. Ca từ trong bài hát có những nỗi nhớ thương khắc khoải: "Đắk Nông còn nhớ không, những tháng năm dài/ Suối sâu và núi đồi, vội vã bước chân ai/ Đắk Nông còn nhớ không, bát ngát lâm trường/ Áo xanh màu lá rừng, nhuộm hoàng hôn…"

Thác Đắk Glun (Tuy Đức) - một điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch. Ảnh tư liệu

Thác Đắk Glun (Tuy Đức) - một điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thu hút khách du lịch. Ảnh tư liệu

Tôi nhìn ra những vườn cây trái trong đêm Đắk Búk So. Những vườn cây xào xạc gió từ đại ngàn xa xôi đâu đó thổi về. Thổi về trong tim tôi một nỗi niềm man mác không thể gọi tên. Như là tôi đang tự trả lời câu hỏi trong bài hát, rằng Đắk Nông tôi còn nhớ…

***

Lê Việt Dũng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-con-nho-227914.html