Nhà văn, nhà báo Nguyệt Tú: Trọn 1 thế kỷ sống và cống hiến

Làm việc ở Báo Phụ nữ Việt Nam - nơi nhà văn Nguyệt Tú từng có thời gian công tác từ những ngày đầu tiên thành lập Báo (1948) - tôi may mắn được tiếp cận và đặt bài bà viết nhân dịp các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước, của Hội LHPN Việt Nam. Mỗi lần gặp bà, tôi không khỏi bất ngờ bởi trí nhớ mẫn tiệp, sự sắc sảo nhưng rất đỗi dung dị của bà ở tuổi 'xưa nay hiếm' và đặc biệt là niềm đam mê viết 'cho khỏi nhớ người, nhớ nghề' như bà từng tâm sự.

 Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và phu nhân - nhà văn, nhà báo Nguyệt Tú. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và phu nhân - nhà văn, nhà báo Nguyệt Tú. Ảnh: Tư liệu

Từ nữ sinh - cán bộ Việt Minh

Nhà văn Nguyệt Tú (tên thật là Nguyễn Nguyệt Tuệ) sinh năm 1925, là con đầu lòng của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Khi còn nhỏ, bà sống ở Hà Nội. Cha bà lúc đó là giáo sư dạy bộ môn Mỹ thuật ở trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An). Với mức lương của cha bà, gia đình đủ nuôi thêm 4 người giúp việc.

Tuy nhiên, vì khảng khái không chịu vẽ theo yêu cầu của người Pháp, cha bà đã nghỉ dạy, rời Hà Nội và đưa cả gia đình trở lại quê ở thị xã Hà Tĩnh.

Về Hà Tĩnh, gia đình bà lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Mặc dù vậy, bà vẫn được mẹ động viên cho đi học. Không phụ lòng cha mẹ, bà đỗ đầu vào Trường nữ sinh Đồng Khánh, khóa 1940-1944 và được trường Bảo Hộ của Pháp cấp học bổng trong suốt 4 năm học, được ưu tiên ở nội trú.

Với bản tính thông minh, cần cù, bà luôn là nữ sinh đứng đầu lớp và nhận được phần thưởng của Ban giám hiệu. Mặc dù vậy, là người có ý thức cao về lòng tự tôn dân tộc, bà đã nhiều lần phản ứng trước giáo viên người Pháp - khi họ có những lời nói mang tính miệt thị đối với người Việt Nam.

Hè năm 1942, bà may mắn được gặp bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng lúc đó học cùng trường - sau này là một trong hai người đọc lời hiệu triệu kêu gọi đồng bào Hà Nội đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền tại Nhà hát Lớn.

Được nghe bà Diệu Hồng kể chuyện về những tấm gương yêu nước, đặc biệt là câu nói của nữ Anh hùng Triệu Thị Trinh: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp người"… trong bà như bừng sáng lòng yêu nước cùng ý chí của tuổi trẻ về độc lập chủ quyền.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), bà và một số bạn học ở trường Quốc học Huế tham gia hoạt động cách mạng.

Không run sợ trước sự khủng bố, hành động dã man của quân cướp nước, bà cùng những người bạn đã viết truyền đơn "đánh Pháp, đuổi Nhật" bằng tay, bí mật giấu truyền đơn trong túi xách, gan dạ đi qua đồn bốt của lính Nhật, sau đó rải ở các rạp chiếu bóng hoặc ở bến đò. Nhờ đó đã khơi gợi và dấy lên khát vọng độc lập của người dân nơi đây.

Mùa hè năm 1945, với chủ trương "Ai quê ở đâu về đấy hoạt động, chờ thời cơ", bà trở về Hà Tĩnh tiếp tục hoạt động cách mạng. Sáng 18/8/1945, bà đứng đầu đoàn đại biểu trong cuộc mít tinh tại Hà Tĩnh.

Trong giờ phút thiêng liêng, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, thầy giáo Nguyễn Danh Dương đứng lên diễn thuyết. Cụ Hà Văn Đại, Tỉnh trưởng, đã được Việt Minh nói chuyện từ trước, trao triện của Tỉnh trưởng cho đồng chí Phan Đăng Tài, em ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Sau đó, hàng trăm người ùn ùn tiến vào tòa Công sứ với khí thế rầm rộ.

Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng, không xảy ra đổ máu và đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh lị giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Ủy ban Lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập. Ủy ban Phụ nữ có hai người:

Bà Trần Thị Thảo, đảng viên cộng sản từ năm 1930, làm Bí thư và bà Nguyệt Tú là Phó Bí thư. Cha bà làm Ủy viên thường vụ Văn hóa cứu quốc. Mẹ bà ở Ban úy lạo binh sĩ (sau này là Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ). Em trai bà là Nguyễn Phan Quang trở thành thiếu niên cứu quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, 8/3/1961(Nhà báo Nguyệt Tú ngồi hàng trước, quàng khăn trắng, thứ 3 từ trái sang).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, 8/3/1961(Nhà báo Nguyệt Tú ngồi hàng trước, quàng khăn trắng, thứ 3 từ trái sang).

…đến nhà văn, nhà báo Cách mạng

Sớm được tôi rèn bản lĩnh và ý chí cách mạng, bà Nguyệt Tú được giao nhiều trọng trách: Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, sau đó là phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Nhân Dân, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ.

Tác phẩm “Đường sáng trăng sao” của nhà văn Nguyệt Tú

Tác phẩm “Đường sáng trăng sao” của nhà văn Nguyệt Tú

Công tác tại các cơ quan báo chí, xuất bản dành cho phụ nữ nhiều năm, nhà văn Nguyệt Tú đã có nhiều đóng góp vào sự tiến bộ của phụ nữ, luôn nêu tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo.

Những tháng ngày hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hiểm nguy từ những ngày đầu giành chính quyền đến những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp và trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là những chất liệu quý giá cho hàng loạt bài đăng báo và các tác phẩm văn học của bà thời đó và sau này như:

"Lớn lên với thôn xóm" (NXB Phụ nữ, 1968); "Chị Minh Khai" (NXB Phụ nữ, 1974); "Chị Lê Thị Riêng" (NXB Phụ nữ, 1986); "Nguyễn Phan Chánh" (NXB Khoa học xã hội, 1996), "Những mẩu chuyện Bác Hồ với thiếu nhi và phụ nữ" cùng viết với nhà văn Mỹ Lady Borton (NXB Hội Nhà văn, 2002), "Họa sĩ và thiếu nữ" (NXB PN, 2009), "Đi và nhớ" (NXB PN, 2016), "Chuyện tình Chính khách Việt Nam" (NXB Phụ nữ, 2017), "Đường sáng trăng sao" (NXB Phụ nữ, 2018)…

Ngoài tình yêu, nghĩa vợ chồng, còn có cả tình đồng chí

Đặc biệt, cuốn hồi ký "Đường sáng trăng sao" được bà viết về cuộc đời mình, trong đó có câu chuyện tình yêu lãng mạn với nhà cách mạng Lê Quang Đạo, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Ông Lê Quang Đạo (tên thật là Nguyễn Đức Nguyện) và bà Nguyệt Tú gặp nhau lần đầu tiên vào một ngày thu năm 1946 tại Hà Nội. Khi đó, ông đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, còn bà là cán bộ phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh ra Hà Nội, đến báo cáo công tác với đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Từ mối quan hệ công việc, thường xuyên gặp mặt trong nhiều sự kiện, hai người dần nhận ra tình cảm dành cho nhau. Tình yêu của họ được nảy nở, đơm hoa kết trái và được vun đắp bền chặt gắn liền với những năm tháng có nhiều biến động của lịch sử dân tộc.

Chuyện của ông bà, ngoài tình yêu, nghĩa vợ chồng, còn có cả tình đồng chí. Thời gian ông ra trận là những tháng ngày bà thấp thỏm, âu lo nhưng luôn tinh tế giấu đi điều thầm kín ấy mà hết lòng động viên chồng yên tâm làm nhiệm vụ.

Bà kể: "Thời kỳ kháng chiến, gia đình tôi xa nhau biền biệt. Trong thư gửi về nhà, những chuyện gian khổ ác liệt anh ít kể nhưng sau này tôi cũng được biết, vào chiến trường, anh không ít lần bị trúng bom nhưng may mắn không sao".

Cuối tháng 10/1972, đồng chí Lê Quang Đạo lên đường về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Từ đây, thời gian xa nhà đi chiến đấu không còn thường xuyên nhưng việc quân vẫn níu chân ông. Vợ xa chồng, con xa cha vẫn là "chuyện cơm bữa".

Phải đến khi kết thúc chiến tranh, ông bà mới có điều kiện ở gần nhau hơn, cùng nuôi dạy con cái trưởng thành. Khi nhà văn Nguyệt Tú làm Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, lo vợ thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý nên trong những bữa ăn, ông tranh thủ trao đổi kinh nghiệm công tác cán bộ với vợ.

Ông phân tích, dặn dò nhiều đến nỗi chính bà còn phải nhắc "không nói chuyện chính trị trong bữa ăn". Khi bà được nghỉ công tác theo chế độ, ông vẫn làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để vợ vơi bớt cảm giác hụt hẫng, ông động viên bà viết báo, làm sách.

Bà cười kể, nhiều khi tác phẩm của vợ xuất bản, ông Lê Quang Đạo còn vui hơn cả tác giả. "Tôi và anh Lê Quang Đạo cùng lớn lên trong môi trường học sinh, cùng đi hoạt động cách mạng, cùng thích thơ văn. Ngoài tình yêu chân thành thì sự kiên nhẫn, bao dung và thấu hiểu lẫn nhau đã giúp chúng tôi có những ngày hạnh phúc như thế!", nhà văn Nguyệt Tú từng chia sẻ lúc sinh thời.

Ghi nhận những đóng góp của nhà văn Nguyệt Tú đối với sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước, năm 2009, bà đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Bà cũng đã được trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Một số hình ảnh tư liệu về nhà văn, nhà báo Nguyệt Tú:

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Nguyệt Tú tên khai sinh là Nguyễn Nguyệt Tuệ, sinh năm 1925 tại Hà Tĩnh.

Bà sớm bộc lộ năng khiếu văn chương: Đạt giải nhất Văn toàn Trung Kỳ, đỗ thủ khoa Trung học Đồng Khánh Huế khi còn là học sinh.

Năm 1945, bà tham gia Việt Minh ở Huế, cướp chính quyền ở Hà Tĩnh sau đó tham gia và làm Phó bí thư Hội Phụ nữ Cứu quốc Hà Tĩnh.

Tháng 7/1946, bà được kết nạp Đảng.

Sau ngày Toàn quốc Kháng chiến, bà lên chiến khu Việt Bắc, làm việc tại Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc trên cương vị Ủy viên Ban liên lạc Phụ vận Xứ.

Giai đoạn 1947 - 1948: Tham gia thành lập Báo Phụ nữ Việt Nam, trở thành phóng viên lớp đầu tiên của Báo Phụ nữ Việt Nam.

Giai đoạn 1949 - 1950: Cán bộ Hội Phụ nữ Cứu quốc Liên khu IV.

Giai đoạn 1951-1953: Cán bộ cấp đại hội thuộc Cục Tuyên huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Giai đoạn 1954 - 1960: Phóng viên, biên tập viên Báo Phụ nữ Việt Nam; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Giai đoạn 1961 - 1964: Học viên Trường Đảng cao cấp ở Liên Xô.

Giai đoạn 1964-1969: Phóng viên Ban Văn hóa báo Nhân Dân.

Giai đoạn 1969-1972: Cán bộ nghiên cứu kiêm Thư ký Văn phòng Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thập.

Giai đoạn 1973-1986: Phó giám đốc, Giám đốc Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam.

Năm 1987 bà nghỉ hưu và tiếp tục viết sách, báo.

Đỗ Hoa - Trường Hùng - CTV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nha-van-nha-bao-nguyet-tu-tron-1-the-ky-song-va-cong-hien-2024091317113843.htm