Đắk Nông: Đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo
Tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu sẽ tiếp tục khai thác tối đa công suất, hiệu quả các dự án từ nguồn năng lượng tái tạo hiện có và phát triển các dự án mới.
Hiện nay, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu, khí đốt đã và đang là nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng lớn cho phát điện tại Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng. Các nguồn năng lượng nói trên cũng đang dần cạn kiệt, trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn do các nguồn năng lượng thông thường để đáp ứng nhu cầu phát điện đã và đang vượt quá khả năng cung cấp.
Chính vì vậy, với mức tăng trưởng nhu cầu điện năng khoảng 10%/năm, vấn đề đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, năng lượng mặt trời là hết sức cấp thiết đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng.
Năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo và là một trong những nguồn tiết kiệm chi phí nhất để sản xuất điện. Việc phát triển năng lượng điện gió sẽ góp phần giảm tải lưới điện quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào thủy điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân và khai thác hiệu quả tiềm năng về kinh tế.
Thời gian qua, nhiều dự án điện gió đã được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư. Cụ thể như Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 với tổng công suất 300 MW, Nhà máy điện gió Asian Đắk Song 1 với công suất 50 MW, Nhà máy điện gió Đắk Hòa với công suất 50 MW và Nhà máy điện gió Nam Bình 1 với công suất 30 MW. Tổng mức đầu tư dự kiến của 6 dự án nêu trên lên đến gần 15.000 tỷ đồng.
Ngoài các dự án điện gió Đắk Nông cho còn có 2 dự án điện mặt trời quy mô lớn là Nhà máy điện mặt trời Cư Jút (thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút) có công suất 62 MWp và Nhà máy điện mặt trời Trúc Sơn (xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút) có công suất 44,4 MWp. Nhà máy điện mặt trời Cư Jút đã phát điện vào năm 2019.
Đắk Nông còn có 3 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh mục các dự án điện mặt trời (tại Quyết định số 1632/TTg-CN, ngày 20/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ). 3 dự án này có tổng công suất hơn 400 MWp, bao gồm dự án điện mặt trời Xuyên Hà (xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô), dự án điện mặt trời Ea T’ling (thị trấn Ea T’ling và xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút) và dự án điện mặt trời Cư K’nia (thị trấn Ea T’ling, xã Trúc Sơn và xã Cư K’nia, huyện Cư Jút).
Trước tiềm năng lớn của nguồn năng lượng tái tạo, dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ, cần dẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, trong đó ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh gắn với quy hoạch phát triển điện quốc gia, sử dụng công nghệ hiện đại theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; đảm bảo 100% xã, thôn, buôn có điện lưới quốc gia và trên 99% hộ gia đình được cấp điện an toàn.
Theo đó, ở giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đầu tư và đưa vào vận hành các nguồn điện mặt trời và điện gió đang đầu tư theo quy hoạch quốc gia trên địa bàn tỉnh theo công suất thiết kế. Đồng thời, rà soát, bổ sung vào quy hoạch điện VII (điều chỉnh) và quy hoạch điện VIII các dự án điện gió, điện mặt trời.
Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục khai thác tối đa công suất, hiệu quả các dự án điện gió, điện mặt trời hiện có. Đồng thời thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành từ 60 - 70% dự án đăng kí.
Việc đầu tư các dự án điện gió ở Đắk Nông phù hợp với định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Bộ Chính trị và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tạo động lực phát triển mới cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của tỉnh.
Lan Phương