Đắk Nông: Đoàn địa chất Việt Nam trực tiếp khảo sát điểm sụt, trượt bon Bu Krắk
Ngày 7/8, Đoàn khảo sát do Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Cục địa chất Việt Nam, thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường) sẽ đến trực tiếp khảo sát điểm sụt lở ở khu vực bon Bu Krắk, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông).
Theo đó, Đoàn khảo sát lần này do Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Cục Địa chất Việt Nam, thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường), do Tiến sĩ Đỗ Văn Lĩnh (Liên đoàn trưởng) sẽ chủ trì cùng 8 thành viên khác đến Đắk Nông. Trong ngày hôm nay (7/8), Đoàn công tác đến khảo sát trực tiếp tại điểm lở đất ở khu vực bon Bu Krắk, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức). Ngoài điểm sạt trượt bon Bu Krắk, Đoàn khảo sát sẽ tìm hiểu một số điểm sạt trượt khác ở Đắk Nông và Lâm Đồng.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, đơn vị đã này chuẩn bị tài liệu và cử cán bộ tham gia phối hợp với Đoàn công tác khảo sát địa chất.
Theo kế hoạch, Đoàn khảo sát sẽ tìm hiểu hiện trạng, diễn biến, nhận xét nguyên nhân sơ bộ tại khu vực sạt trượt ở bon Bu Krắk. Trên cơ sở đó, Đoàn khảo sát sẽ xem xét đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để ứng phó kịp thời với hiện tượng sạt lở, nứt, sụt đất.
Hoạt động của Đoàn khảo sát là nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ.
Trước đó, Báo điện tử Xây dựng đã thông tin vào khoảng 23 giờ ngày 31/7 trên địa bàn bon Bu Krắc, xã Quảng Trực đã xảy 2 tiếng nổ lớn, dưới lòng đất có dịch chuyển và có hiện tượng rạn nứt bề mặt. Sau đó, người dân phát hiện nhiều vết nứt gãy trên mặt đất, dọc tuyến đường và trong nhà dân xuất hiện các vết nứt có chiều dài khoảng 200 m, rộng 10 - 15cm. UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo di dời 70 hộ dân, trong vùng bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Đồng thời, bảo đảm an sinh chỗ ăn ở tạm thời an toàn cho bà con. Đồng thời, báo cáo vụ việc với các cơ quan liên quan để đánh giá mức độ an toàn của khu vực trên.
Theo cơ quan chức năng địa phương nguyên nhân ban đầu là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Nước thấm vào khiến đất trở nên nặng hơn, sức bền giảm. Khu vực bon Bu Krắk ở chân đồi liền kề thung lũng nên đã xuất hiện các khe nứt và đang diễn biến phức tạp.
Ngoài huyện Tuy Đức, ffường Hồ Chí Minh (đoạn qua tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cũng xuất hiện sụt lún, sạt trượt làm đứt gãy, biến dạng mặt đường giao thông tạm thời bị chia cắt.Các cơ quan chức năng đã phân luồng giao thông, hạn chế người và phương tiện đi vào và chờ theo dõi. Đồng thời, phối hợp với lực lượng cứu hộ cứu nạn khẩn trương di dời 16 hộ dân ở phía taluy âm đến nơi an toàn.