Chống lãng phí quyết liệt, có địa chỉ - Bài 10: Kinh tế ngưng trệ vì quy hoạch bô xít

Bô xít là tài nguyên quốc gia, hiếm có, tập trung ở 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây được xem là động lực, tiềm năng nhưng cũng là lực cản khiến việc đầu tư xây dựng dự án, phát triển kinh tế… của 2 địa phương bị ảnh hưởng do vướng quy hoạch.

Loạt dự án bị đình trệ

Theo Quy hoạch khoáng sản 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866 ngày 18/7/2023 (Quy hoạch 866), Đắk Nông đứng đầu cả nước với tổng trữ lượng quặng bô xít gần 1,8 tỷ tấn (chiếm hơn 57% trữ lượng).

Diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông trong thời kỳ này khoảng 179,6ha, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh và rộng nhất cả nước.

Sở hữu trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước, Đắk Nông được kỳ vọng trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia. Thế nhưng quy hoạch bô xít bao trùm địa bàn của 5/8 huyện, thành phố; thậm chí chồng lấn lên khoảng 28.000ha rừng, nhiều công trình hạ tầng xã hội và cả dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vừa được phê duyệt.

Tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT tiếp thu ý kiến của địa phương, tham mưu sửa Luật Khoáng sản trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 với tinh thần chia sẻ, lắng nghe. Thủ tướng nhấn mạnh, việc quy hoạch chồng lấn hiện nay là một vấn đề pháp lý phức tạp, cần được xem xét lại trong quá trình sửa đổi Luật Khoáng sản.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, năm 2024, có 15/36 hồ sơ dự án đầu tư ngoài ngân sách được nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, tỉnh này chưa chấp thuận chủ trương đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc do vị trí đề xuất thực hiện dự án chồng lấn với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản bô xít.

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, bô xít khác với vàng, kim cương nhưng trong quy định của Luật Khoáng sản chưa tách biệt các loại khoáng sản này.

Không chỉ thu hút đầu tư ngoài ngân sách, loạt dự án đầu tư công cũng bị ngưng trệ vì bô xít. Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông, tỉnh có 37 dự án trọng điểm bị ảnh hưởng do chồng lấn bô xít. Đặc biệt, dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê có tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng, đang giải ngân rất thấp vì vướng quy hoạch bô xít. Riêng năm 2024, dự án được bố trí 150 tỷ đồng nhưng phải trả lại cho Trung ương 147 tỷ đồng vì không thể giải ngân.

Vùng khai thác bô xít tại huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông

Vùng khai thác bô xít tại huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông

Thậm chí đã có dự án trọng điểm của tỉnh bị trễ hẹn ngày về đích. Đó là Dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, được khởi công ngày 27/12/2022, dự kiến hoàn thành, bàn giao cuối năm 2023 để kịp chào mừng Kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch về mỏ đất nằm trong vùng quy hoạch bô xít, nên dự án bị thiếu hàng nghìn khối đất đắp, vỡ tiến độ, đến nay vẫn chưa xong.

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho hay, việc chồng lấn quy hoạch bô xít đã làm ngưng trệ tất cả các dự án đầu tư của tỉnh, kể cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Phía tỉnh rất quyết liệt làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn.

Các ban của Quốc hội đã thống nhất ý kiến và báo cáo Thường vụ Quốc hội, đề xuất việc sửa đổi Luật Địa chất và Khoáng sản cần được đưa vào kỳ họp sớm nhất. Khi luật được sửa đổi, xác định bô xít là một khoáng sản đặc thù thì sẽ giải quyết hết các vấn đề căn cơ liên quan đến bô xít.

Dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa bị trễ ngày về đích vì quy hoạch bô xít

Dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa bị trễ ngày về đích vì quy hoạch bô xít

Quy hoạch bao trùm, chồng lấn, ảnh hưởng cả chục vạn dân

Không riêng Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn vì chồng lấn quy hoạch bô xít. Thống kê sơ bộ, tổng diện tích quy hoạch khoáng sản ở Lâm Đồng gần 70.200ha (tại TP Bảo Lộc và 6 huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đạ Tẻh).

Huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc là 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do quy hoạch khoáng sản bô xít, vonfram, diatomit với tổng diện tích hơn 57.000ha, gần 100.000 người dân.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch khai thác khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trùng với thời gian quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn. Vì vậy, các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt theo quy định không thể triển khai.

Cụ thể, các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt chỉ phục vụ được công tác quản lý, nhưng chưa phục vụ được việc tổ chức triển khai theo quy hoạch để phát triển kinh tế-xã hội địa phương; không thể triển khai đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn và các khu chức năng.

Đồng thời, các vị trí khoanh ranh quy hoạch có diện tích rất lớn, ảnh hưởng đến nội dung, kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng; đa phần thuộc khu vực tập trung dân cư đông đúc đã được đầu tư hạ tầng, như Khu trung tâm hành chính của huyện, xã, thị trấn, phường thuộc các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc.

Ngoài ra, tác động đến việc xây dựng các công trình trụ sở UBND huyện, xã, trường học, trạm y tế, bưu điện, chợ, khu vực sản xuất nông nghiệp…, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, các tổ chức trong việc sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nhà ở, công trình công cộng, công trình tôn giáo.

Huyện Bảo Lâm - một trong những địa phương của tỉnh Lâm Đồng, bị ảnh hưởng do quy hoạch bô xít

Huyện Bảo Lâm - một trong những địa phương của tỉnh Lâm Đồng, bị ảnh hưởng do quy hoạch bô xít

Kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ

Bên cạnh đó, việc quy hoạch khoáng sản còn ảnh hưởng đến việc triển khai quy hoạch tỉnh và các quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung, các dự án khác từ nguồn vốn đầu tư công đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương; Khu dân cư, tái định cư tại phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc)… liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm), cho hay, hiện thị trấn có đến 75% diện tích bị vướng vào quy hoạch khoáng sản. Trong đó, có 6 công trình công cộng đã được bố trí vốn nhưng chưa triển khai xây dựng do vướng quy hoạch. Nhiều hộ dân không thể chuyển mục đích sử dụng đất, gây khó khăn trong xây dựng.

Ngoài ra, việc chồng lấn Quy hoạch 866 và dự án Bô xít-Nhôm Lâm Đồng khiến giao dịch bất động sản khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và thu ngân sách của địa phương.

UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện các công trình, dự án cấp bách, quan trọng thuộc nhóm ưu tiên cũng như danh sách khu vực khoáng sản đề xuất hạn chế, cấm hoặc tạm cấm hoạt động khoáng sản để thực hiện các dự án, công trình cấp bách, quan trọng, đặc biệt là các dự án đầu tư công.

Huỳnh Thủy - Thái Lâm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chong-lang-phi-quyet-liet-co-dia-chi-bai-10-kinh-te-ngung-tre-vi-quy-hoach-bo-xit-post1690912.tpo