Đắk Nông: Gần 10% dân số mù chữ, huyện Đắk Glong gặp khó trong phát triển kinh tế - xã hội

Hiện nay, tại một số địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh Đắk Nông, tỷ lệ người dân mù chữ chiếm 10% tổng dân số. Mù chữ không chỉ khiến đời sống của bà con đồng bào Dân tộc Thiểu số gặp khó khăn mà còn gây ra hệ lụy nhiều mặt trong xã hội.

Năm nay đã hơn 30 tuổi nhưng anh Sùng Văn Lành ở thôn 11, xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong vẫn không biết chữ. Theo cha mẹ từ phía Bắc vào sinh sống tại tỉnh Đắk Nông hơn 20 năm nhưng vì không biết đọc, biết viết nên việc nắm bắt các thông tin rất hạn chế.

Anh SÙNG VĂN LÀNH - Xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông: “Mình không biết chữ xấu hổ lắm, đi đâu cũng ngại, nhà mình làm gì cũng nhờ người khác. Không biết chữ ai nói gì cũng nghe vậy, tin là chính, có bị lừa cũng chịu thôi”.

Thống kê của UBND huyện Đắk Glong trên địa bàn có hơn 74.000 nhân khẩu, trong đó có 7.191 trường hợp mù chữ, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ mù chữ nằm trong độ tuổi từ 18-60 là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng mù chữ đã trở thành vấn đề nhức nhối kéo dài nhiều năm tại địa phương.

Ông VI VĂN THUỘC - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông: “Xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức các lớp xóa mù chữ , bà con chủ yếu là nông dân ban ngày đi làm, ban đêm về mệt ngủ nghỉ nên cũng không tham gia học để xóa mù chữ.”

Ông LÊ ĐẠI THÀNH - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông : “Chúng tôi cũng thường xuyên tham mưu cho tỉnh, cấp trên để bố trí kinh phí mở các lớp xóa mù chữ cho bà con. Vì không biết chữ bà con rất khó khăn trong việc giao tiếp với người Kinh.”

Mù chữ không chỉ ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn cản trở phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đắk Nông cần có những biện pháp giáo dục mạnh mẽ hơn nữa và chính sách lâu dài để giải quyết tình trạng này.

Thực hiện : Phúc Hân

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dak-nong-gan-10-dan-so-mu-chu-huyen-dak-glong-gap-kho-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi