Đắk Nông: Hàng trăm hộ di dân gần 20 năm mỏi mòn chờ hộ khẩu
Hàng nghìn người dân thôn Phú Vinh không có hộ khẩu, ảnh hưởng đến sinh hoạt dù họ đã gần 20 năm sinh sống bên hồ Nam Ca.
Người dân thôn Phú Vinh vượt đồi núi đi nhận quà Tết của đoàn từ thiện
Di cư lập nghiệp bên hồ Nam Ca rộng lớn ngót 20 năm, giờ đây hàng nghìn người dân thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) vẫn không có hộ khẩu, CMND, trẻ con sinh ra không được làm giấy khai sinh…
Bữa ăn tình người
Một ngày cuối tháng Chạp, PV Báo Giao thông tham gia đoàn từ thiện do một nhóm anh chị em đang sinh sống tại Đắk Lắk, Đắk Nông phát động đến tặng quà Tết cho người dân thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông). Nơi đây có hàng trăm hộ dân là người đồng bào Mông, Thái, Dao di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống gần 20 năm nay.
Anh Trần Thế Dũng (thị trấn Ea T’linh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), thành viên đoàn từ thiện liên hệ mượn địa điểm giáo họ Công giáo thôn Phú Vinh làm nơi phát quà, nấu ăn trưa phục vụ người dân.
Hơn 9h sáng đoàn đến nơi, hàng trăm người dân đã chờ sẵn, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Có chị còn địu cả 2 con, đứa trước, đứa sau, mồ hôi nhễ nhại. Hỏi tên, chị thẹn đỏ mặt lắc đầu. “Gần Tết rồi, đàn ông tích cực đi làm thuê để có tiền ăn Tết nên mình phải địu con đi nhận quà thôi. Mình phải vượt 3 ngọn đồi đến đây, mệt lắm”, chị nói nhỏ.
Nơi trao quà có 2 dãy bàn, trẻ nhỏ xếp hàng nhận tô bún ăn trước, người lớn ăn sau. Không ai bảo ai nhưng gương mặt những người phụ nữ và đám trẻ ánh lên niềm vui. Có lẽ lâu lắm rồi họ mới được ăn ngon đến thế…
Sau bữa trưa, người dân lần lượt nhận quà rồi về. Mà quà đâu có nhẹ, 10kg gạo cùng các loại thực phẩm nên nó quá nặng với những người phụ nữ và cháu nhỏ. Nhưng bỏ qua sự ái ngại của những người lạ tốt bụng, những chị phụ nữ và đám trẻ dắt díu nhau mang quà về với gương mặt phấn khởi.
Khao khát có được hộ khẩu, chứng minh thư
Gần 20 năm trước, hàng chục hộ di dân tự phát từ các tỉnh miền núi phía Bắc (nhiều nhất là Cao Bằng) vào khu rừng xã Quảng Phú dựng nhà, khai phá đất rừng, trồng tỉa sinh sống.
Mãi đến năm 2016, chính quyền tỉnh Đắk Nông mới công nhận sự tồn tại của khu dân cư này và đặt tên là thôn Phú Vinh dưới sự quản lý của xã Quảng Phú với gần 350 hộ, khoảng 1.200 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Thái…).
Cả thôn Phú Vinh, hàng ngàn con người quanh quẩn với cây mì (sắn), cây ngô, cuộc sống vô cùng khó khăn. Số hộ nghèo chiếm đến 90%. “Đất đai nơi đây cằn cỗi nên thu nhập của người dân hàng năm chẳng đáng là bao”, anh Phàng A Hồng, một người dân ở Phú Vinh than thở.
Ông Lục Văn Hiệp, người dân thôn Phú Vinh chia sẻ, ngoài cái nghèo, người dân Phú Vinh còn gặp nhiều khó khăn khác do không có hộ khẩu, không làm được CMND, nhiều đứa trẻ cũng không có giấy khai sinh.
“Phàng A Hồng mua được chiếc xe máy vui lắm nhưng vì không có CMND nên Hồng phải nhờ người khác đứng tên chủ xe. Nhưng không có CMND nên không thể học bằng lái, người dân Phú Vinh gần như chỉ sử dụng xe máy chạy quanh quẩn trong thôn mà không dám ra ngoài vì sợ bị phạt”, ông Hiệp nói.
Giàng A Thể (19 tuổi), một trong những thanh niên hiếm hoi ở Phú Vinh học đến lớp 12. “Thể muốn tiến thân bằng con đường học vấn nhưng cũng vì không có CMND mà không thể học tiếp. Cuối cùng, Thể cũng “theo bước cha ông” quanh quẩn trong thôn với cây mì, cây ngô”, ông Hiệp cho biết.
Giàng A Ninh có hai đứa con chuẩn bị đến trường. Nhưng đến giờ vẫn không làm được giấy khai sinh.
“Mình đi đến xã làm giấy khai sinh cho con nhưng cán bộ nói phải có giấy đăng ký kết hôn nhưng hồi đó vợ chồng mình về ở chung đâu có làm cái giấy đó. Giờ con cái đến tuổi đến trường nhưng không được đi học mình cũng lo lắm…”, anh Ninh cho hay.
Thượng tá Trần Thanh Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Nô cho biết, thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra hộ khẩu, rà soát các loại đối tượng và hoàn chỉnh dữ liệu dân cư trên địa bàn, Công an huyện đã chỉ đạo cán bộ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người. Riêng đối với thôn Phú Vinh, họ có nhà nhưng đi làm thuê khắp nơi, thậm chí sang cả địa bàn tỉnh Lâm Đồng nên càng khó thống kê.
“Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo anh em kể cả vượt đèo, lội suối vào tất cả các nương rẫy để tìm người dân, điều tra chính xác thông tin để gửi xác minh nhân thân tại quê gốc. Có nắm rõ lý lịch các hộ dân mới có cơ sở đề xuất lên cấp trên, chính quyền địa phương bảo vệ các quyền lợi cho họ. Ví dụ như làm bảo hiểm y tế, chế độ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện vay vốn ngân hàng… Khi đã đầy đủ hồ sơ hợp pháp, Công an huyện sẽ kiến nghị cấp hộ khẩu, làm thẻ căn cước cho tất cả người dân thôn Phú Vinh”, Thượng tá Tuấn nói.
Một lãnh đạo UBND xã Quảng Phú cho biết, thời điểm được công nhận, toàn bộ người dân thôn Phú Vinh đều không có hộ khẩu. Hiện chính quyền đang tích cực xử lý việc này nhưng khó khăn vô cùng. Một phần hầu hết người dân đều không có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào hoặc có nhưng bị thất lạc nên rất khó để làm các thủ tục theo đúng quy định. Mặt khác, do hầu hết đất đai mà người dân đang sinh sống đều có nguồn gốc từ rừng nên rất vướng.