Đắk Nông khó đạt mục tiêu phát triển 62.000 con bò

Đắk Nông đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện mục tiêu tăng đàn bò lên trên 62.000 con vào năm 2030.

Tại huyện Cư Jút, theo báo cáo của UBND huyện, đàn bò của người dân hiện ở mức 3.700 con. Đây là một trong những địa phương có đàn bò phát triển khá mạnh trong những năm qua.

Theo ông Phùng Trọng Điềm, thôn 12, xã Cư K’nia, huyện Cư Jút, gia đình ông hiện có 20 con bò gồm nhiều giống bò như BBB, bò sim lùn. Ông Điềm cho biết, hai năm nay, giá bò thương phẩm, bò giống bán ra đều giảm, nhưng gia đình ông vẫn duy trì nuôi vì đã chủ động được nguồn thức ăn từ cỏ, thân cây bắp.

Ông Phùng Trọng Điềm, thôn 12, xã Cư K’nia, huyện Cư Jút hiện có 20 con bò

Ông Phùng Trọng Điềm, thôn 12, xã Cư K’nia, huyện Cư Jút hiện có 20 con bò

Việc chăn nuôi bò cũng giúp ông tạo được nguồn phân bón hữu cơ hàng năm cho hơn 1ha đất trồng trọt còn lại. Để đàn bò phát triển khỏe mạnh, gia đình ông duy trì nguồn thức ăn đầy đủ dinh dưỡng theo từng thời kỳ phát triển. Cùng với đó, ông duy trì đều đặn việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và tiêm phòng vắc xin cho đàn bò.

Bà Nguyễn Thị Út, Phó Chủ tịch UBND xã Cư K’nia cho biết, những năm qua, đàn bò của xã tăng lên đáng kể, hiện đạt trên 800 con. Địa phương đã tận dụng tốt vốn, đàn bò giống từ các chương trình, dự án khác nhau để hỗ trợ người dân tăng đàn bò. Qua đó, góp phần giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, ổn định, nâng cao đời sống.

Năm 2024, dù giá bò thương phẩm, bê giống giảm xuống so với những năm trước nhưng đàn bò của xã vẫn tăng, nhất là đối với số lượng bò của các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tỉnh Đắk Nông bước đầu hình thành được vùng chăn nuôi bò tập trung tại Krông Nô, Cư Jút, Tuy Đức, Đắk Glong

Tỉnh Đắk Nông bước đầu hình thành được vùng chăn nuôi bò tập trung tại Krông Nô, Cư Jút, Tuy Đức, Đắk Glong

Qua đánh giá của Sở NN-PNT, việc phát triển đàn bò của tỉnh những năm qua đúng định hướng đối với chỉ tiêu vùng chăn nuôi tập trung.

Cụ thể, tỉnh đã hình thành được các vùng chăn nuôi bò tập trung tại các huyện Krông Nô, Cư Jút, Tuy Đức, Đắk Glong. Đàn bò ở các huyện đạt trên 18.700 con, chiếm trên 67% đàn bò toàn tỉnh.

Đối với chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò cũng đạt khá. Đàn bò lai với các giống như BBB, Brahman chiếm 80% tổng đàn.

Năng suất, chất lượng đàn bò của tỉnh đã có những sự phát triển vượt trội so với khoảng 10 năm trước đây, nhất là cải tạo được đàn bò vàng địa phương.

Những năm qua, đàn bò của tỉnh Đắk Nông có sự tăng lên nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Năm 2020, đàn bò của tỉnh đạt mức 24.200 con, đến tháng 7/2024 là 27.500 con.

Với số lượng đàn bò như hiện nay, kế hoạch tăng lên trên 62.000 con vào năm 2030 là rất khó đạt. Có nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển đàn bò ở Đắk Nông gặp khó khăn.

Trước hết là môi trường chăn nuôi chưa an toàn, dịch bệnh xuất hiện nhiều nên đàn bò hao hụt hàng năm, chậm phát triển. Tỉnh chưa thu hút được các trang trại chăn nuôi bò quy mô lớn. Đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, chưa khuyến khích được người chăn nuôi...

Môi trường chăn nuôi bò ở Đắk Nông được đánh giá chưa an toàn

Môi trường chăn nuôi bò ở Đắk Nông được đánh giá chưa an toàn

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Đắk Nông tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 6/5/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỉnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng tập trung quy mô lớn, trang trại, gia trại bền vững, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đắk Nông nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi bò của tỉnh; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

Đắk Nông khó đạt mục tiêu phát triển đàn bò lên 62.000 con vào năm 2030

Đắk Nông khó đạt mục tiêu phát triển đàn bò lên 62.000 con vào năm 2030

Tỉnh đa dạng hóa các giống bò để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường; nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Đắk Nông nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, sơ chế, chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trần Thị Thoan

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-kho-dat-muc-tieu-phat-trien-62-000-con-bo-227751.html