Đắk Nông muốn sân bay Nhân Cơ được đón chuyến bay thương mại
UBND tỉnh Đắk Nông muốn đưa sân bay Nhân cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp dân sự.
UBND tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đề nghị đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp dân sự.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, địa phương là đầu mối kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, có 141 Km đường biên giới với Campuchia. Tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là khoáng sản.
Tuy nhiên, tỉnh Đắk Nông hiện nay chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ, đường thủy không khai thác được, đường sắt và hàng không chưa được đầu tư xây dựng. Đây cũng là điểm nghẽn trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng của vùng.
Mặc khác, quân khu 5 - Bộ Quốc phòng đã thống nhất đưa Sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp dân sự và đề nghị tỉnh Đắk Nông tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng thống nhất chủ trương đưa Sân bay Nhân cơ vào quy hoạch.
Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT quan tâm xem xét, đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch là sân bay lưỡng dụng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai đầu tư theo quy định.
Cuối năm 2021, Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo quy hoạch cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, đến năm 2030, Bộ GTVT đề xuất 28 sân bay trong quy hoạch, gồm: 14 cảng quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.
14 sân bay quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Tuy nhiên, tờ trình trên của Bộ GTVT vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vì còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có việc nhiều địa phương mong muốn Bộ GTVT bổ sung quy hoạch sân bay.