Đắk Nông nâng cao chất lượng phong trào 'Dân vận khéo'

Phong trào thi đua 'Dân vận khéo' trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Để nâng cao hiệu quả, tính thực chất, Đắk Nông xác định tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào 'Dân vận khéo'.

Phong trào quần chúng mạnh mẽ

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông.

Qua thực hiện phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sự đổi mới trên các lĩnh vực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” ở cơ sở đã tạo thành phong trào quần chúng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều địa phương, đơn vị đã đề ra những cách làm hay, giải pháp hiệu quả, thiết thực, phù hợp với thực tiễn.

Qua đó đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Theo thống kê, trong 10 năm 2013-2023, tỉnh Đắk Nông có 697 mô hình “Dân vận khéo” (420 mô hình tập thể, 277 mô hình của cá nhân) được công nhận. Riêng từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 265 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký xây dựng ở các cấp và có 40 mô hình được công nhận. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 10 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 14 mô hình; lĩnh vực quốc phòng-an ninh 12 mô hình; lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 4 mô hình.

Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông

Tiêu biểu như các mô hình: “Mẹ đỡ đầu”, “Tiết kiệm vì ngày mai lập nghiệp”, “Tiết học vùng biên”, “Tuyến đường hoa”, “5 cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân thoát nghèo”, “Chia sẻ yêu thương, đưa em vững bước tới trường”, “Thoát nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, “Tổ tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”…

Những hạn chế cần khắc phục

Theo đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông với việc được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai, nhất là xây dựng các điển hình, mô hình, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có sự lan tỏa. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy phong trào vẫn còn không ít hạn chế phải thẳng thắn nhìn nhận để có hướng khắc phục, tạo hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên và Nhân dân về phong trào thi đua “Dân vận khéo” chưa toàn diện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền về thực hiện phong trào chưa sát sao, thường xuyên, liên tục.

Việc thực hiện phong trào và xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực chưa có chiều sâu, sức lan tỏa chưa mạnh mẽ, chưa thật sự bền vững. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa chặt chẽ.

Công tác kiểm tra, giám sát và việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm phong trào ở một số địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, không kịp thời.

Mô hình "Mẹ đỡ đầu" của Công an tỉnh Đắk Nông được đánh giá là một trong những mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu của Đắk Nông

Mô hình "Mẹ đỡ đầu" của Công an tỉnh Đắk Nông được đánh giá là một trong những mô hình "Dân vận khéo" tiêu biểu của Đắk Nông

Theo đồng chí Đàm Kiều Vân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cư Jút, qua thực tế ở huyện cho thấy, trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở một số địa phương chưa bám sát nội dung, kế hoạch đề ra, nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Việc đăng ký, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” vẫn còn lúng túng, có lúc, có nơi mang tính hình thức, thiếu chiều sâu. Một số cơ quan, đơn vị còn nhầm lẫn giữa việc xây dựng điển hình, mô hình “Dân vận khéo” với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tương tự, đồng chí H’Loan, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP. Gia Nghĩa cho rằng, thành phố chưa xây dựng được các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

Một số địa phương, đơn vị chưa có những giải pháp, biện pháp sáng tạo, hiệu quả trong vận động quần chúng, gắn với nhiệm vụ được phân công. Việc xây dựng các mô hình, điển hình chưa đồng đều trên các lĩnh vực, trong khi các mô hình có hiệu quả lại chậm được nhân rộng.

Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Trước thực tế trên, Tỉnh ủy Đắk Nông đã có Chỉ thị số 38/-CT/TU ngày 12/6/2024 về đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Chỉ thị yêu cầu, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận.

Trong đó, cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động… Việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương thức hoạt động, với phương châm hướng mạnh về cơ sở.

Cùng với nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân để xác định nội dung và lựa chọn cách thức phát động thi đua, các địa phương, đơn vị cần xây dựng mô hình, điển hình sát với thực tế, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với dân trí và đặc điểm, tình hình của các giai tầng xã hội.

Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tích cực lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho mình, cho cộng đồng và đất nước, tích cực tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.

Các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội nỗ lực khai thác thế mạnh để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, lan tỏa các mô hình, điển hình, tạo khí thế thi đua trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Lâm Nhiên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/dak-nong-nang-cao-chat-luong-phong-trao-dan-van-kheo-227749.html