Đắk Nông: Thiếu hơn 1.500 giáo viên, nhưng vẫn phải cắt giảm biên chế

Dù tăng số lượng học sinh, lớp học, nhưng tỉnh Đắk Nông lại thiếu hơn 1.500 giáo viên… dù vậy, tỉnh này vẫn thực hiện việc cắt giảm biên chế.

Sáng 5-9, thầy Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu cho biết năm học mới toàn trường có hơn 1.300 học sinh ở các lớp, trong đó riêng điểm trường ở cụm dân cư số 8 có gần 300 em.

Tăng thêm thu nhập cho giáo viên khi tăng giờ dạy

Theo thầy Phong, năm học mới này khai giảng trong tiết trời không mấy thuận lợi, mưa nhiều.

 Điểm trường tiểu học La Văn Cầu ở cụm dân cư số 8 tổ chức khai giảng năm học mới. Ảnh: HP

Điểm trường tiểu học La Văn Cầu ở cụm dân cư số 8 tổ chức khai giảng năm học mới. Ảnh: HP

“Do đường đất, mưa trơn trượt, rất khó đi lại. Bởi vậy, việc khai giảng trong điểm trường này, lãnh đạo nhà trường, UBND xã Đắk R’măng không vào dự được” – thầy Hà Hữu Phong thông tin.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, thông tin cụm dân cư số 8 chủ yếu là nơi sinh sống của người đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Bắc. Họ vào đây theo diện di cư tự do đã lâu.

“Thời gian qua, điểm Trường Tiểu học La Văn Cầu ở cụm dân cư số 8 nhận được quan tâm, tài trợ của nhiều mạnh thường quân. Bởi vậy, ở đây chỉ có điểm trường này là có điện năng lượng mặt trời. Còn các hộ dân chủ yếu mua ắc quy, hoặc các thiết bị tích điện khác mới có ánh sáng dùng.

Đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn, trong đó hệ thống đường giao thông chưa được bê tông hóa” – ông Đoàn Văn Phương nói.

 Trường THPT dân tộc nội trú N'trang Long tổ chức khai giảng năm học mới.Ảnh: DP

Trường THPT dân tộc nội trú N'trang Long tổ chức khai giảng năm học mới.Ảnh: DP

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết năm nay toàn tỉnh có hơn 183.000 học sinh các cấp đến trường. Trước khi bước vào năm học mới, địa phương đã đầu tư hơn 300 tỉ đồng để xây mới, cải tạo các cơ sở giáo dục; chuẩn bị sẵn sàng từ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Hiện nay, số lượng lớp, học sinh ngày càng tăng lên, nhưng tỉnh đang thiếu hơn 1.500 giáo viên ở các cấp. Đơn vị đang phối hợp với Sở Tài chính xây dựng phương án cho năm học mới theo hướng tăng số giờ giảng dạy cho giáo viên ở các cấp, cùng với việc tăng thêm thu nhập cho họ. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn là bố trí đủ số lượng biên chế cho ngành giáo dục tỉnh nhà” – ông Phan Thanh Hải thông tin.

 Ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: DP

Ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: DP

Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Nông cho biết vừa kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, tham mưu cấp có thẩm quyền giao bổ sung hơn 1.500 biên chế giáo viên cho tỉnh để có thể bảo đảm nhu cầu dạy và học trong năm học 2024-2025.

Vẫn theo bà Hường, trong năm học mới này số lượng lớp, học sinh dự kiến tăng lên, nhưng tỉnh vẫn thực hiện mục tiêu cắt giảm biên chế theo quy định. Nhiều trường học có nhiều điểm trường ở vùng sâu, vùng xa vẫn phải bố trí lớp học và giáo viên để dạy học; việc chia số lượng học sinh/lớp theo quy định mới của Bộ GD&ĐT.

“UBND tỉnh đang giao cho Sở GD&ĐT xây dựng nghị quyết theo hướng tăng nguồn thu nhập cho giáo viên hiện có thông qua việc tăng giờ ở các cơ sở giáo dục” – bà Nguyễn Thị Thu Hường nêu giải pháp.

Xoay xở với bão Yagi ở Đắk Lắk

Ngày 5-9, thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết hơn 365.000 học sinh các cấp thực hiện nghi lễ khai giảng năm học mới.

 Học sinh ở xã Cư Pui được nhận xe đạp trong đợt khai giảng năm học mới. Ảnh: TT

Học sinh ở xã Cư Pui được nhận xe đạp trong đợt khai giảng năm học mới. Ảnh: TT

Do ảnh hưởng của bão Yagi, nhiều vùng ở Đắk Lắk có mưa nên các trường phải căng bạt để che chắn hoặc cho học sinh tham gia khai giảng.

Ngoài ra, nhiều trường học khác lường trước ảnh hưởng của mưa bão nên thầy cô cũng dựng sẵn sân khấu, có che chắn bạt để chuẩn bị chu đáo cho lễ khai giảng.

Theo ghi nhận của PV, Trường THCS Cư Pui, xã Cư Pui tổ chức khai giảng sớm nhất (ngày 4-9) ở điểm trường thôn Ea Lang. Đây là vùng khó khăn bậc nhất của huyện, đường đi vào còn nhiều khó khăn.

Tại lễ khai giảng sớm, các thầy cô đã kết nối với nhà hảo tâm, tặng 20 xe đạp cùng nhiều phần quà như sách vở, áo trắng để động viên những học sinh nghèo vượt khó.

Ông Huỳnh Viết Trung, Trưởng Phòng GD&ĐT Krông Bông, cho biết năm học 2024-2025, toàn huyện có hơn 22.000 học sinh. Đơn vị đã yêu cầu các trường học lên các phương án ứng phó với thời tiết bất lợi do ảnh hưởng của bão Yagi.

“Thời tiết có mưa nhưng không ảnh hưởng đến lễ khai giảng năm học mới trên địa bàn huyện. Tất cả các trường đã chuẩn bị sẵn phương án để đề phòng tình hình mưa gió” - ông Trung nói.

Theo ghi nhận của PV tại trường THPT Phan Đình Phùng, huyện Krông Pắk, do thời tiết mưa nhiều, nên nhà trường cũng tổ chức rút gọn chương trình nhưng vẫn đảm bảo tính trang trọng của buổi lễ khai giảng năm học mới.

 Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, TP Buôn Ma Thuột tổ chức lễ khai giảng. Ảnh: HD

Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, TP Buôn Ma Thuột tổ chức lễ khai giảng. Ảnh: HD

Ông Nguyễn Hữu Luật, Trưởng Phòng GD&DT TP Buôn Ma Thuột cho biết có khoảng hơn 80.000 học sinh bậc mầm non, tiểu học, THCS dự lễ khai giảng.

“Thời tiết sáng nay thuận lợi, không mưa nên mọi việc khai giảng diễn ra thành công” – ông Nguyễn Hữu Luật thông tin.

VŨ LONG - TIẾN THOẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/dak-nong-thieu-hon-1500-giao-vien-nhung-van-phai-cat-giam-bien-che-post808496.html