ĐH Tài nguyên và Môi trường HN tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục ra sao?

PGS.TS Hoàng Anh Huy cho rằng, tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ cấp thiết.

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, việc hiện đại hóa giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học công nghệ đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng.

"Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đầu tư vào hiện đại hóa giáo dục đại học và tăng cường năng lực nghiên cứu không chỉ giúp các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu mà còn đóng góp thiết thực vào sự phát triển của xã hội và nền kinh tế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng nêu một số lợi ích của hiện đại hóa giáo dục đại học.

Thứ nhất, cải thiện chất lượng giáo dục. Theo đó, hiện đại hóa giáo dục đại học giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập thông qua việc áp dụng công nghệ mới, phương pháp giảng dạy tiên tiến và chương trình đào tạo cập nhật. Sự đổi mới này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận kiến thức hiện đại mà còn trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc ngày càng thay đổi.

Thầy Huy cho biết, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã từng bước đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy. Cụ thể, năm 2024, nhà trường đã triển khai hệ thống đào tạo HUNRE E-Learning và xây dựng trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (HUNRE AI) giúp cho thầy trò có nhiều cơ hội được học tập, trao đổi kiến thức thuận tiện hơn.

Thứ hai, tăng cường khả năng nghiên cứu và đổi mới. Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ không chỉ giúp tạo ra kiến thức mới mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các giảng viên và sinh viên thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học có thể khám phá những giải pháp mới cho các vấn đề thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển của ngành và xã hội.

Thứ ba, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Đào tạo hiện đại và nghiên cứu ứng dụng giúp các cơ sở giáo dục đại học tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Việc tích hợp công nghệ và nghiên cứu vào chương trình học giúp sinh viên nắm bắt các xu hướng mới và phát triển kỹ năng thực tiễn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy nhìn nhận thêm, một mặt tích cực khác của tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học là tạo động lực cho sự phát triển cá nhân. Sự hiện đại hóa không chỉ giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và nghiên cứu mà còn tạo ra môi trường học tập và làm việc năng động. Sinh viên và giảng viên sẽ có thêm động lực để cống hiến và phát triển, từ đó nâng cao vị thế của nhà trường trong cộng đồng học thuật và xã hội.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai một loạt các kế hoạch và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Nhà trường thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng công nghệ mới. Điều này bao gồm việc tích hợp các kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng tư duy phản biện vào chương trình học. Đồng thời, nhà trường đã đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng công nghệ giáo dục như sử dụng các công nghệ học tập trực tuyến, học liệu số để cải thiện chất lượng giảng dạy và học tập.

Các phương pháp học tập trực tuyến, học từ xa và học kết hợp (blended learning) đã được Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội triển khai và đưa vào giảng dạy đã tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận tài nguyên học tập một cách linh hoạt.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nộiđã và đang đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở vật chất như phòng học, thư viện, khu vực nghiên cứu và các thiết bị học tập hiện đại. Các trang thiết bị phòng thí nghiệm cũng được đầu tư hiện đại nhằm hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và thực hành của sinh viên và giảng viên.

Thầy Huy chia sẻ, nhà trường đã xây dựng chính sách tuyển dụng linh hoạt và hấp dẫn để thu hút các giảng viên có trình độ cao, đồng thời cung cấp các chương trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp liên tục cho đội ngũ giảng viên. Đồng thời, nhà trường luôn đảm bảo môi trường làm việc chuyên nghiệp và cung cấp các phúc lợi hợp lý để giữ chân giảng viên. Các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc thân thiện chính là yếu tố quan trọng vào việc giữ chân nhân tài.

Tháo gỡ khó khăn, giúp các trường tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học, nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và công nghệ

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy, các cơ sở giáo dục đại học hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Thứ nhất, nguồn tài chính dành cho giáo dục đại học thường hạn chế, dẫn đến việc đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoạt động nghiên cứu khoa học còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời ngân sách có thể không được phân bổ một cách đồng bộ và hợp lý giữa các lĩnh vực cần thiết, dẫn đến thiếu hụt tài nguyên cho các hoạt động quan trọng.

Thứ hai, khó khăn về cơ sở vật chất, việc mua sắm thiết bị nghiên cứu và học tập hiện đại thường yêu cầu chi phí lớn, vượt quá khả năng tài chính của trường đại học nên gây cản trở trong việc triển khai cải tiến giáo dục.

Thứ ba, các cơ sở giáo dục đại học thường gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ cao do mức lương và đãi ngộ không cạnh tranh so với các ngành nghề khác.

Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, để đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học cần lựa chọn giải pháp hợp lý và thực hiện đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan quản lý giáo dục, doanh nghiệp và cộng đồng. Đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng sẽ giúp hiện đại hóa giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, chuẩn bị cho sinh viên và giảng viên đáp ứng tốt hơn các thách thức cũng như cơ hội trong tương lai.

Đối với giải pháp về chiến lược đầu tư. Xây dựng kế hoạch đầu tư chiến lược cho giáo dục đại học, bao gồm mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở vật chất, nghiên cứu và đào tạo. Bên cạnh đó cần áp dụng phương pháp quản lý dự án hiện đại để giám sát và quản lý các khoản đầu tư. Sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để theo dõi và đánh giá hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, tạo mối quan hệ đối tác lâu dài với doanh nghiệp và tổ chức trong cộng đồng để hợp tác trong các dự án nghiên cứu, đào tạo thực tập và phát triển chương trình đào tạo. Song song, tổ chức các sự kiện kết nối nghề nghiệp, hội chợ việc làm và chương trình thực tập để giúp sinh viên tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp, phát triển mạng lưới chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, thiết lập các trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các dự án nghiên cứu, khởi nghiệp và các sáng kiến công nghệ mới. Có cơ chế khuyến khích nghiên cứu cứu liên ngành để khuyến khích các dự án nghiên cứu kết hợp các lĩnh vực khác nhau, từ đó tạo ra những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phức tạp.

Đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu” nên đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học sẽ giúp ích cho nền giáo dục nước nhà và người hưởng lợi trực tiếp, đầu tiên chính là người học. Có đề xuất cho rằng cần tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên gấp đôi, tức chiếm khoảng 0,6% GDP.

Theo một số tài liệu, ngân sách chi cho giáo dục đại học ở nước ta hiện nay chỉ chiếm 0,25%-0,27% GDP. Do đó, đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học đang thu hút nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các trường đại học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy nhìn nhận, đề xuất tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học là một bước đi quan trọng và có thể tạo ra những thay đổi tích cực đáng kể trong hệ thống giáo dục. Có thể thấy các lĩnh vực đầu tư cho giáo dục đại học như: Cơ sở vật chất, nhân lực, hỗ trợ người học...

Tuy nhiên, thầy Huy cũng cho rằng, để đảm bảo việc sử dụng ngân sách hiệu quả và đạt được chất lượng đào tạo tốt nhất, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về việc phân bổ ngân sách vào các lĩnh vực cụ thể. Mỗi khía cạnh đầu tư đều phải xét cụ thể từng ưu và nhược điểm.

Đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại có thể tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Các phòng thí nghiệm và thiết bị nghiên cứu tiên tiến có thể thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Song, việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và trang bị thiết bị hiện đại đòi hỏi một khoản chi phí đầu tư lớn, có thể gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách. Ngoài ra, đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị cần có kế hoạch bảo trì và cập nhật liên tục, điều này có thể tạo thêm gánh nặng tài chính lâu dài.

Đầu tư vào thu hút và đào tạo giảng viên có thể nâng cao chất lượng giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng học tập của sinh viên. Đồng thời, giảng viên có trình độ cao và được hỗ trợ nghiên cứu sẽ có khả năng thực hiện các dự án nghiên cứu và đổi mới, đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, việc cải thiện lương và đãi ngộ cho giảng viên có thể đòi hỏi ngân sách lớn, có thể gây áp lực lên nguồn tài chính hạn chế. Hơn nữa, việc đánh giá trực tiếp hiệu quả của việc đầu tư vào nhân lực có thể gặp khó khăn, vì sự cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thường không ngay lập tức thấy rõ.

Học bổng và trợ cấp tài chính giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận giáo dục đại học, từ đó nâng cao cơ hội học tập cho tất cả đối tượng. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ sinh viên, như tư vấn học tập và hỗ trợ nghề nghiệp, giúp sinh viên phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt cho thị trường lao động.

Tuy nhiên, đầu tư vào người học cũng đi kèm với một số khó khăn đó là cung cấp học bổng và các dịch vụ hỗ trợ sinh viên có thể tạo ra chi phí quản lý và điều hành đáng kể, cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Một mặt điều này cũng có khó khăn ở việc đảm bảo công bằng do việc phân bổ học bổng và trợ cấp cần phải minh bạch, nếu không có thể dẫn đến sự không hài lòng từ các bên liên quan.

"Việc phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học cần được thực hiện một cách cân nhắc, với các cơ chế theo dõi và đánh giá để đảm bảo rằng ngân sách được sử dụng hiệu quả và đạt được các mục tiêu đã đề ra. Bằng cách đầu tư một cách toàn diện và hiệu quả, chúng ta có thể nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội và nền kinh tế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy cho biết thêm.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-tai-nguyen-va-moi-truong-hn-tap-trung-dau-tu-hien-dai-hoa-giao-duc-ra-sao-post245458.gd