Đắk Nông: UBND huyện ra quyết định giải quyết tranh chấp có thấu tình đạt lý?

Công lý & Xã hội nhận được phản ánh của hộ ông Lê Hữu Hương (trú tại thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông), liên quan đến việc UBND huyện Đắk R'Lấp giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ ông Hương và hộ ông Bùi Đình Tài chưa thỏa đáng.

Ông Lê Hữu Hương cho biết, năm 2003, ông nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Phạm Ngọc Nhứt (có giấy viết tay ngày 17/12/2003). Đất có nguồn gốc từ việc ông Nhứt nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Quang Bá (có giấy viết tay ghi ngày 20/10/1993), tại Khối 9, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông (theo giấy viết tay giữa ông Nhứt và ông Hương).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mảnh đất của gia đình ông Hương nhận chuyển nhượng của ông Nhứt đang xảy ra tranh chấp với gia đình ông Bùi Đình Tài. Ông Hương cho rằng, các cấp chính quyền xử lý chưa thỏa đáng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của gia đình ông.

Khu đất đang tranh chấp giữa hộ ông Tài và ông Hương

Khu đất đang tranh chấp giữa hộ ông Tài và ông Hương

Theo hồ sơ, giấy tờ từ việc xin cấp đất của ông Bùi Đình Tài thể hiện, năm 1993, gia đình ông có đơn xin cấp đất làm vườn (đơn ghi ngày 24/3/1993) với lý do: “Hiện tại gia đình tôi mới chuyển công tác về huyện Đắk R’Lấp, cho nên vườn rẫy chưa có. Vì vậy, để được an tâm công tác và ổn định kinh tế gia đình, phục vụ lâu dài cho xã hội, tôi viết đơn này xin cấp một lô đất có diện tích 6.000m2 để làm vườn”.

Từ đó, UBND xã Kiến Đức (nay là thị trấn Kiến Đức) đã xác nhận trong đơn với nội dung như sau: “UBND xã Kiến Đức xác nhận đơn xin làm vườn của ông Bùi Đình Tài là đúng thực tế, xét ý kiến đề nghị của ông Thành quản lý đất đai, UBND xã Kiến Đức kính chuyển UBND huyện Đắk R’Lấp và Phòng kinh tế xem xét giải quyết”.

Đơn xin cấp đất làm vườn của ông Bùi Đình Tài

Đơn xin cấp đất làm vườn của ông Bùi Đình Tài

Sau khi xảy ra tranh chấp, UBND huyện Đắk R’Lấp đã lập đoàn Thanh tra tại Quyết định số 2288/QĐ-UBND ngày 15/8/2013, xác minh nội dung tranh chấp đất và ban hành Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 09/9/2013, xác nhận mảnh đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Bùi Đình Tài và bà Nguyễn Thị Hương Bưởi.

Ông Hương khẳng định, ông không được gọi lên làm việc, các nhân chứng sinh sống ở đây lâu năm cũng không được mời lên để xác minh. Cách xử lý vụ việc liên quan đến việc cấp đất cho ông Tài của các cấp chính quyền đã không tuân thủ theo đúng các quy định của Luật Đất đai.

Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc đất, phóng viên đã liên hệ một số người dân sinh sống và sản xuất lâu năm ở đó để tìm hiểu. Ông Nguyễn Quang Hậu (SN 1960, con trai của ông Nguyễn Quang Bá) cho biết, năm 1988, vùng đất này chỉ toàn cỏ tranh và có một vài cây mít, lúc đó cả gia đình ông Hậu phát cỏ tranh, khai hoang mảnh đất này và trồng cà phê. Do đất dốc và nguồn nước để tưới cà phê quá xa (gia đình chưa khoan được giếng), nên ông Bá (bố ông Hậu) đã bán cho 02 đứa cháu là bà Võ Thị Vinh (vợ ông Sơn đã mất) và Phạm Ngọc Nhứt (chồng bà Lê Thị Tuyết). Lúc đó khu vực này chỉ có gia đình ông Hậu, đối diện có ông Nguyễn Quang Thuận (tên gọi khác Thiêm), phía trên có ông Bùi Quốc Thọ.

Còn bà Võ Thị Vinh thì cho hay, đất hiện tại của gia đình là nhận chuyển nhương của ông Phúc (con trai ông Bá), còn ông Nhứt là mua của ông Bá. Sau đó, ông Nhứt bán cho ông Hương với giá 14 triệu đồng (có cả nhà gỗ gần dưới bờ hồ). Đồng thời, ông Hương cho lại vợ chồng ông Nhứt một góc đất làm nhà để ở khoảng 5-6m bề ngang, không được bán (hiện tại con trai ông Nhứt đang sinh sống trên mảnh đất mà ông Hương cho).

Khi được hỏi có hay không hộ ông Bùi Đình Tài và Nguyễn Thị Hương Bưởi khai hoang ở vùng đất này? Bà Vinh khẳng định, ông Tài và bà Bưởi hoàn toàn không có đất trong khu vực. Lúc mới làm đập, bà Bưởi có trồng qua bên phần đất này mấy cây chuối, nhưng đã bị các hộ gia đình nơi đây chặt đi.

Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Quang Thuận (tên gọi khác Thiêm) thông tin, năm 1989, khu này là một bãi rừng hoang, ông là người đã khai hoang rồi sinh sống ổn định từ đó đến nay. Ở phía đối diện là của cụ Bá vào khai hoang trước.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Quốc Thọ (SN 1962), nói: “Năm 1988, tôi vào đây khai hoang, lúc đó ở đây chỉ là một bãi cỏ tranh và một vài cây mít, tôi khai hoang và trồng cà phê sinh sống từ đó cho đến bây giờ. Phía trên tôi là của cụ Bá, cụ đã bán cho cô Vinh (Sơn) giờ cô đang sinh sống ở đó và ông Nhứt, sau đó ông Nhứt đã bán lại cho ông Hương. Trước lúc ông Bá bán cho ông Nhứt có một căn nhà gỗ gần nhà máy nước, đối diện là đất của ông Thuận, ông Bá vào trước còn tôi vào sau ông Bá”.

Bà Lê Thị Tuyết (vợ ông Nhứt) cho biết thêm, năm 1993, gia đình bà mua lại thửa đất của ông Bá, đến năm 2003, do điều kiện khó khăn nên đã bán thửa đất cho ông Hương và thống nhất cho lại một phần để làm nhà ở (hiện nay, con trai tôi đang sinh sống trên mảnh đất này). Bà Tuyết một lần nữa khẳng định, bà Bưởi, ông Tài không có đất ở khu vực này, chỉ biết ông bà có thửa đất bên kia suối và đã giải tỏa đền bù để làm bờ đập.

Câu hỏi đặt ra ở đây, một vụ việc tranh chấp đất đai như vậy nhưng chính quyền địa phương không mời những người liên quan lên làm việc, lấy ý kiến… trước khi giải quyết, liệu đã đúng quy trình?. Và dựa vào hồ sơ với nhiều bước được “bỏ qua” như vậy, UBND huyện ra quyết định giải quyết tranh chấp liệu có thấu tình đạt lý?

Lê Vương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/dak-nong-ubnd-huyen-ra-quyet-dinh-giai-quyet-tranh-chap-co-thau-tinh-dat-ly-67906.html