Đắk Nông: Xây chợ để về đích nông thôn mới rồi… bỏ hoang
Chợ nông thôn mới xây rồi bỏ hoang, tiểu thương lấn chiếm hành lang ATGT buôn bán gây mất ATGT, ô nhiễm môi trường.
Nghịch lý chợ bỏ hoang, dân buôn bán ngoài đường
Theo ghi nhận, năm 2018, nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, để tạo điều kiện cho các hộ dân có chỗ kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng hóa, UBND xã Đắk N’Drót có văn bản gửi UBND huyện Đắk Mil đề nghị cho phép đầu tư xây dựng chợ nông thôn.
Theo UBND xã Đắk N’Drót, để tạo điều kiện cho các hộ có chỗ kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng và từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt phát triển về thương mại - dịch vụ cũng như thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, UBND xã Đắk N’Drót đề nghị UBND huyện Đắk Mil, Phòng Kinh tế - Hạ tầng xem xét cấp phép xây dựng chợ nông thôn tại địa bàn xã, theo hình thức xã hội hóa. Nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ là 100% kinh phí tư nhân (gia đình tự đầu tư kinh phí xây dựng).
Video: Nghịch lý chợ tiền tỷ bỏ hoang, dân buôn bán ngoài đường
Đến ngày 18/6/2018, UBND huyện Đắk Mil có văn bản đồng ý chủ trương xây dựng chợ nông thôn xã Đắk N’Drót tại địa bàn thôn 4. Đến tháng 11/2018, UBND huyện Đắk Mil đồng ý cấp giấy phép xây dựng chợ nông thôn xã Đắk N’Drót gồm: 233m2 khối nhà phụ trợ; 273,6m2 khu kinh doanh dịch vụ; hơn 500m2 khu kinh doanh hàng hóa; 600m2 nhà chợ lồng; 24m2 nhà vệ sinh và sân, cổng, hàng rào...
Lúc này, gia đình ông Lê Văn Thuyên (SN 1960, trú tại thôn 4, xã Đắk N’Drót) đã hiến gần 4 sào đất của gia đình, đồng thời bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để xây dựng chợ và làm đường bê tông dẫn vào chợ với mong muốn phục vụ cho người dân và địa phương, góp phần bảo đảm ATGT, bảo vệ môi trường.
Theo ông Thuyên, sau khi hoàn thành, chợ nông thôn xã Đắk N’Drót có 60 tiểu thương đăng ký vào buôn bán. Thế nhưng, chỉ sau 2 tháng đi vào hoạt động, các tiểu thương rời khỏi chợ nông thôn Đắk N’Drót, quay lại trục đường chính của xã (cách chợ khoảng 300m) để tiếp tục buôn bán như cũ.
Nguyên nhân do sau thời gian đi vào hoạt động, cơ quan thuế của huyện Đắk Mil xuống yêu cầu các tiểu thương đóng thuế kinh doanh, thuế môn bài theo quy định. Do đó, các tiểu thương đã chuyển về trước nhà mình hoặc thuê mặt bằng trên trục đường chính của xã buôn bán để không mất tiền thuế.
Trước tình hình trên, ngày 15/5/2021, UBND xã Đắk N’Drót có văn bản vận động người dân quay lại chợ buôn bán. UBND xã Đắk N’DRót giao cho Ban quản lý chợ tổ chức quản lý chợ, dọn vệ sinh môi trường đúng theo quy định, không để làm mất cảnh quan gây ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, phòng chống cháy nổ theo quy định. Đồng thời, đề nghị các tiểu thương, hộ gia đình có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa thì ban quản lý sắp xếp ki ốt tạo điều kiện.
UBND xã giao Ban ATGT xã, ban tự quản thôn 4 hướng dẫn bà con nhân dân tập trung vào chợ mua bán, trao đổi hàng hóa theo quy định. Đại diện ban quản lý chợ, cam kết miễn tiền thuê mặt bằng cho các tiểu thương trong 2 năm đầu để ổn định việc kinh doanh, buôn bán. Các hộ kinh doanh chỉ đóng phí vệ sinh, điện nước... trong quá trình buôn bán tại chợ.
Thế nhưng, các tiểu thương vẫn không quay lại chợ nông thôn Đắk N’Drót để buôn bán khiến khu chợ tiền tỷ bỏ hoang, trở thành nơi để rơm, nuôi gà,…
Kiên quyết xử lý, đưa chợ vào hoạt động
Theo ghi nhận của PV, hiện nay dọc hai bên tuyến đường chính, nhiều tiểu thương lấn chiếm hành lang ATGT, dựng sạp, dù để buôn bán đồ ăn, rau củ, trái cây... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, quá trình buôn bán tự phát, nhiều người kinh doanh vô tư đổ nước thải ra giữa đường gây hôi tanh, mất vệ sinh...
Chị Nguyễn Thị Phượng (xã Đắk N’Đrót) cho hay: “Buổi sáng người dân đi làm, đi chợ dựng xe hết ngoài đường khiến các phương tiện khác không có lối đi, phải chen chúc nhau mất ATGT. Ở xã Đắk N’rót này cái gì cũng có nhưng thiếu mỗi chợ, xã phải có cái chợ để hoạt động buôn bán tập trung, thuận tiện cho người dân, nhưng đằng này chợ khang trang thì bỏ hoang, dân buôn bán ngoài đường rất nhếch nhác, mất ATGT. Thậm chí, việc buôn bán thịt cá, các tiểu thương dọn rửa đổ thẳng nước ra đường hôi tanh, ô nhiễm”.
Ông Đàm Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Đắk N’Drót cho hay, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, chính quyền địa phương đã giao cho ban tự quản thôn 4 mời các hộ dân, ban quản lý chợ, cùng các ban, ngành của xã, cơ quan thuế của huyện... tổ chức họp để tuyên truyền, vận động cho người dân vào chợ họp, buôn bán. Tránh tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT, buôn bán gây mất ATGT và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay ban tự quản thôn vẫn chưa thể tổ chức được cuộc họp với người dân.
Cũng theo ông Kính, thời gian qua lãnh đạo xã đã chỉ đạo các cán bộ địa chính phối hợp với công an xã tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT, đổ nước thải ra đường nhưng do lực lượng mỏng nên không thường xuyên kiểm tra, chưa xử lý được.
“Mỗi khi lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý thì người dân chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, với thói quen “tiện đâu mua đó” của người dân nên ngay khi lực lượng chức năng rời đi thì mọi thứ đâu lại vào đó. Nhiều trường hợp đã cam kết không lấn chiếm hành lang ATGT nhưng vẫn vi phạm.
Thời gian tới, xã chỉ đạo, đôn đốc ban tự quản thôn tổ chức họp để tuyên truyền, vận động người dân vào chợ buôn bán. Đồng thời, tiếp tục cho người dân dọc hai bên trục đường chính ký cam kết không lấn chiếm hành lang ATGT để buôn bán gây mất ATGT, ô nhiễm môi trường. Nếu người dân vẫn vi phạm thì xã kiên quyết sẽ xử lý nghiêm”, ông Kính khẳng định.
Theo đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KT-HT) huyện Đắk Mil, ở giai đoạn đó, xây dựng chợ là một trong 19 tiêu chí để về đích nông thôn mới. Hộ gia đình ông Lê Văn Thuyên đã tự nguyện hiến đất, bỏ tiền xây chợ để phục vụ bà con là tấm gương tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, chợ đi vào hoạt động được một thời gian, người dân bỏ chợ ra đường buôn bán cho đến nay.
Thời gian tới, Phòng KT-HT sẽ tham mưu cho UBND huyện mời các phòng, ban, đơn vị có liên quan đánh giá lại kết quả đầu tư và hiện trạng của chợ nông thôn Đắk N’Drót có đủ điều kiện hoạt động hay không. Nếu đủ điều kiện như cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, sập quầy đảm bảo,… sẽ tham mưu cho UBND huyện giao cho Chủ tịch UBND xã giải tỏa chợ tự phát dọc hai bên tuyến đường, yêu cầu các hộ tiêu thương tập trung vào buôn bán kinh doanh tại chợ đã được nhà nước cho phép. Qua đó, nhằm ổn định kinh doanh, cuộc sống cho các hộ tiểu thương, đồng thời đảm bảo trật tự ATGT.
“Về việc người dân cho rằng, buôn bán trước nhà mình để tránh phải đóng thuế, việc này hoàn toàn sai, không đúng quy định. Bởi trước cửa nhà dân là hành lang ATGT do đó việc mua bán, đậu xe ngay ở giữa lòng, lề đường sẽ gây mất ATGT.
Huyện sẽ mời chính quyền địa phương, ban quản lý chợ họp đánh giá lại chợ và huyện sẽ có biện pháp xử lý, làm triệt để với hành vi tụ tập buôn bán lấn chiếm mất ATGT, kể cả người đi mua dựng xe dưới lòng lề đường để người dân chuyển vào chợ buôn bán ổn định”, đại diện phòng KT-HT huyện Đắk Mil khẳng định.