Đắk Nông xin trả vốn đầu tư công nếu không có giải pháp cho vấn đề bô xít

Đắk Nông sẽ tổng hợp hồ sơ toàn bộ 1062 dự án bô xít để gửi Bộ TN&MT, Bộ Công thương cùng các cơ quan có thẩm quyền để xem xét.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 88/NQ-CP, ngày 8/6/2023, hôm nay (25/7), tại Thành phố Gia Nghĩa, đoàn công tác của Bộ Công thương và Bộ TN&MT làm việc với tỉnh Đắk Nông để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch bô xít tại địa phương. Tuy nhiên, cuộc họp cho thấy sự bất đồng quan điểm giữa hai bộ và sự bế tắc trong giải quyết vấn đề bô xít.

Nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề bô xít ở Đắk Nông vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết

Nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề bô xít ở Đắk Nông vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đắk Nông đã nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, khai thác bô xít.

Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 tổng chỉ tiêu đất phi nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông là hơn 62.000ha, trừ đất quốc phòng và hạ tầng cấp quốc gia chỉ còn gần 24.000ha. Trong khi đó theo Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030 thì tổng diện tích quy hoạch các dự án khoáng sản (chủ yếu là bô xít) tại Đắk Nông lên đến hơn 92.000ha. Như vậy, đất quy hoạch khoáng sản đã lớn hơn rất nhiều so với chỉ tiêu được phê duyệt.

Đắk Nông đã thống kê toàn tỉnh hiện có 1062 dự án của tỉnh bị chồng lấn với quy hoạch bô xít, trên diện tích lên đến gần 6.700ha. Tổng mức đầu tư của các dự án bị ảnh hưởng vì chồng lấn quy hoạch bô xít lên đến 8.000 tỷ đồng. Điều này dẫn đến hầu hết các dự án hiện nay phải tạm dừng, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Đến hết tháng 8, nếu những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh sẽ không thể hoàn thành.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Mỹ Dũng, Phó cục trưởng Cục địa chất miền Nam, Bộ TN&MT cho biết, hiện nay vẫn chưa có quy định nào cho triển khai các dự án trên khu vực quy hoạch khoáng sản nói chung, bô xít nói riêng. Theo ông Dũng, với các quy định hiện hành thì Thủ tướng Chính phủ cũng không thể giải quyết được khó khăn, vướng mắc cho Đắk Nông. Khả năng cần phải có một cơ chế đặc thù riêng về bô xít từ Quốc hội để tháo gỡ.

“Rà soát lại thì không có quy định nào để cho phép trên khu vực đã quy hoạch khoáng sản mà lại thực hiện dự án khác. Rõ ràng là cần phải có cơ chế đặc thù nào đó tầm Quốc hội thì mới giải quyết được cái này. Tại vì bây giờ có trình Thủ tướng thì Bộ Tư pháp chắc chắn sẽ tuýt còi ngay vì không có quy định nào giao cho Thủ tướng cho phép thực hiện dự án trên khu vực quy hoạch khoáng sản”, ông Dũng cho hay.

Trong khi đó, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương lại bày tỏ quan điểm, căn cứ Điều 26 của Luật Khoáng sản có thể giải quyết một phần những khó khăn, vướng mắc của Đắk Nông. Theo đó, tỉnh cần tổng hợp tất cả 1062 dự án gửi Bộ TN&MT để xin ý kiến vì thẩm quyền thuộc Bộ TN&MT xem xét, xử lý.

Với ý kiến từ đại diện Bộ TN&MT tại cuộc họp, ông Hoài cho rằng, cần thiết thì hỏi thêm ý kiến của Bộ Tư pháp và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ông Hoài không ủng hộ quan điểm xây dựng cơ chế đặc thù cho bô xít hoặc sửa luật vì như vậy sẽ rất tốn thời gian và khó khả thi, không giải quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Đắk Nông.

“Nếu hai bộ vẫn còn ý kiến khác nhau, chúng tôi xin thêm ý kiến Bộ Tư pháp. Bản thân điều 26 (Luật Khoáng sản) giao cho Bộ TN&MT thì rất sát. Chúng tôi sẽ bảo vệ quan điểm này và sẽ trao đổi với Bộ TN&MT. Bây giờ phải nghĩ ra cách tháo gỡ cho tỉnh, nếu cần thiết, cách dễ dàng hơn thì có thể xin Ủy Ban thường vụ Quốc hội giải thích luật thì còn dễ hơn là sửa luật. Đề nghị tỉnh cứ mạnh dạn trình, rồi báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng trao đổi với các Bộ, ngành. Chứ còn thẩm quyền đã giao cho Bộ TN&MT thì Thủ tướng cũng không quyết được, Bộ TN&MT cũng không thể ủy quyền cho tỉnh xử lý được”, ông Hoài bày tỏ.

Sau khi nghe ý kiến từ các sở, ban ngành địa phương cùng các ý kiến của đại diện Bộ TN&MT và Bộ Công thương, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phải than thở rằng vấn đề bô xít của tỉnh đang quá vướng mắc và bế tắc. Hướng đi duy nhất lúc này là tỉnh sẽ tổng hợp hồ sơ toàn bộ 1062 dự án để gửi ra Bộ TN&MT, Bộ Công thương cùng các cơ quan có thẩm quyền để xem xét. Trong trường hợp đến cuối tháng 8/2023, vẫn không giải quyết được được thì tỉnh buộc phải trả vốn đầu tư công năm 2023 cho Chính phủ.

“Bây giờ chúng tôi sẽ gửi trực tiếp Bộ TN&MT, Bộ Công thương và Bộ Tư pháp. Cũng rất mong 2 đồng chí lãnh đạo cục về báo cáo lãnh đạo bộ, cuộc họp hôm nay nóng như thế. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, cũng không thể để cuối năm bị kỷ luật, kiểm điểm, nếu không có đường ra cho giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì chỉ có một phương án là xin trả lại vốn. Vì bây giờ làm không được thì phải làm sao”, ông Mười nói.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dak-nong-xin-tra-von-dau-tu-cong-neu-khong-co-giai-phap-cho-van-de-bo-xit-post1035054.vov