Đak Pơ đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đang lan tỏa mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân.
Những tấm gương tiêu biểu
Ở làng Kuk Kôn (xã An Thành), gia đình chị Đinh Thị Hmai là gương sáng trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa với 12 năm liên tục được UBND huyện công nhận danh hiệu này. Chị chia sẻ: Vợ chồng chị cưới nhau từ năm 2003, vốn liếng ra ở riêng chỉ có 2 sào đất rẫy bố mẹ cho nên luôn trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Để gầy dựng kinh tế gia đình, anh chị đi làm mướn và trồng nhiều loại cây nông nghiệp khác nhau. “Nhờ thế mà 3 năm sau, chúng tôi xây được nhà kiên cố trị giá gần 100 triệu đồng. Mừng nhất là 3 đứa con chăm ngoan, học giỏi. Gia đình tôi cũng được dân làng quý mến vì luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Khi xã xây dựng nông thôn mới, chúng tôi tiên phong xây tường rào bao quanh đất ở, làm nhà vệ sinh khép kín, hệ thống nước sạch”-chị Hmai thổ lộ.
Một điển hình khác trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở huyện Đak Pơ là hộ anh Đinh Văn Glái (làng Hven, thị trấn Đak Pơ). Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, gia đình anh Glái còn tích cực tham gia phong trào do địa phương phát động. “Nhờ chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, thu nhập của gia đình hàng năm đạt gần 200 triệu đồng. Từ số tiền tích góp được, chúng tôi sửa sang nhà cửa và nuôi con ăn học. Vợ chồng tôi cũng thường chia sẻ với bà con trong làng, trong xã kinh nghiệm nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc cũng như phát triển kinh tế để có cuộc sống tốt đẹp hơn”-anh Glái bộc bạch.
Cũng tại làng Hven, gia đình chị Đinh Thị Chới được bà con yêu quý nhờ gương mẫu đi đầu trong xây dựng nếp sống văn hóa. Hơn 11 năm sinh sống ở làng Hven, gia đình chị Chới luôn thuận hòa, đoàn kết, thân thiện với mọi người. Hàng ngày, vợ chồng chị cũng dạy con cái giao tiếp bằng tiếng Bahnar để lưu giữ ngôn ngữ của tổ tiên và nét đẹp của dân tộc mình. Mặt khác, chị Chới còn là tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động người dân tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa của huyện.
Tăng về chất và lượng
Kuk Kôn (xã An Thành) là làng tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Trưởng thôn Đinh Seng thông tin: “Hàng năm, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của xã, làng tổ chức họp dân nhằm bổ sung, hoàn thiện hương ước của làng. Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con đăng ký danh hiệu gia đình văn hóa. Đến cuối năm, chúng tôi tổ chức bình xét, trao chứng nhận vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Riêng năm 2021, làng Kuk Kôn có 137/139 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 98%”.
Đối với làng Hven, 26 năm qua, danh hiệu làng văn hóa luôn được duy trì. Có được điều này là nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của dân làng. Làng hiện có 62/65 hộ được UBND huyện công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trong đó có 2 gia đình văn hóa tiêu biểu cấp huyện.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Nguyễn Thanh Hiền cho biết: Hàng năm, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện đều xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn cơ sở đăng ký, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa theo quy chế. Chúng tôi cũng lồng ghép với các hoạt động của đoàn thể, chính quyền cơ sở để thay đổi nhận thức người dân và vận động bà con tham gia thi đua thực hiện các tiêu chí gia đình văn hóa, làng văn hóa. Do vậy, số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đến cuối năm 2021, toàn huyện có 46/49 thôn, làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa và 9.277/11.275 gia đình văn hóa.