Đắk Song (Đắk Nông): 'Loạn' tình trạng mua bán, phá rừng
Trong những năm trở lại đây, tình trạng lấn chiếm, phá rừng ở huyện Đắk Song diễn ra một cách ồ ạt và khá ngạc nhiên khi UBND xã Đắk Môl, huyện Đắk Song là đơn vị được giao 'chủ rừng' nhưng thực tế lại không còn hecta rừng nào để quản lý...
Câu chuyện phá rừng tại đơn vị “chủ rừng” là UBND xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, đã diễn ra từ lâu nhưng thật sự “nóng” lên trong những năm trở đây, đặc biệt là thời điểm ông Ngô Anh Nhượng làm Chủ tịch UBND xã gần 02 nhiệm kỳ.
Cử tri tại xã Đắk Môl đã rất nhiều lần có ý kiến khi được tiếp xúc cử tri, vậy nhưng, câu chuyện “đâu vẫn nằm ở đó”, người dân bức xúc đặt ra câu hỏi là không biết khi nào vụ việc mới được giải quyết và cơ quan nào đứng ra giải quyết?
Để tìm hiểu về những vấn đề người dân phản ánh, phóng viên Công lý & Xã hội đã vào cuộc tìm hiểu sự việc này. Trong vai một người có nhu cầu mua đất rẫy, thâm nhập vào trung tâm “chợ” mua bán bất ddoognj sản khu vực Đắk Rồ, Đắk Mâm thuộc xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tại nhà ông Nông Văn Khe, phóng viên được người dân đặt thẳng vấn đề: “Giờ anh thích mua đất rừng hay đất keo? Nếu là đất keo thì ngay sau đây, còn đất rừng thì dọc đường, ngay nhà tôi đang ở đây là thuộc đất rừng”, người này vừa nói vừa đưa tay chỉ.
Khi phóng viên thắc mắc vì sao gọi là đất rừng và đất keo, một người dân cho biết, đất rừng là đất được người dân lấn chiếm rừng, còn đất keo thì lấn chiếm đất của Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa bàn giao lại cho UBND xã sau khi thu hoạch keo....
Theo tìm hiểu, vào năm 2013, ông Ngô Anh Nhượng - Chủ tịch UBND xã Đắk Môl nhận bàn giao 51.8ha đất rừng từ ông Lê Xuân Tương - nguyên Chủ tịch UBND xã Đắk Môl. Riêng đất keo, khoảng năm 2015, Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa sau khi thu hoạch rừng keo đã bàn giao cho UBND xã Đắk Môl quản lý và trồng mới lại rừng với diện tích khoảng 51.5 hecta tại tiểu khu 1094 và 1095. Vì vậy mới có khái niệm “đất rừng” và “đất keo”.
Chúng tôi được một người hàng xóm của ông Khe dẫn đi mục sở thị khu vực đất keo. Tại đây, người này giới thiệu một người tên là Thành hiện đang sinh sống tại Đắk Lắk, có khoảng gần 3 hecta trong đó có một phần đất rừng và một phần đất keo... để bán. Phóng viên đã liên lạc với ông Thành qua điện thoại, ông Thành nói: “Hiện tại đất đó đang trồng cà phê và tiêu, nếu anh có nhu cầu mua thì tôi bán với giá 300 triệu/ha.”
Phóng viên hỏi việc mua bán như vậy có giấy tờ gì đảm bảo không? Ông Thành thì ông Thành cho biết, trước đây tôi mua chỉ có giấy viết tay thôi, giờ tôi cũng viết giấy tờ tay thôi chứ sổ chưa làm được... và ông Thành không quên khẳng định “chắc nịch” rằng trước sau gì cũng làm được thôi vì đã có người làm được sổ rồi.
Một người dân chỉ vùng đất của ông Hòa và ông Tính trong khu đất keo mà Lâm Trường Đức Hòa bàn giao cho UBND xã quản lý
Đề cập nhã ý, muốn mua với diện tích khoảng 20 hecta với người dẫn đường, ngay lập tức chúng tôi nhận được gợi ý: “Nếu anh muốn mua số lượng lớn thì khu vực này chỉ có ông Tính và ông Hòa là nhiều nhất thôi”. Sau khi tìm hiểu được biết, hai người được giới thiệu là ông Nguyễn Thanh Hòa nguyên là Bí thư thôn E29, xã Đắk Môl, huyện Đắk Song và ông Nguyễn Văn Tính hiện đang sinh sống tại thôn E29, gần nhà ông Hòa.
Tìm đến nhà ông Hòa, phóng viên được ông trực tiếp dẫn đi đến vùng đất gồm của ông, ông Tính và những người xung quanh đó. Được biết đất ở khu vực này toàn là của những người địa phương khác đến. Khi phóng viên đề nghị mua với diện tích khoảng 20ha, ông Hòa cho biết không đủ đất nên đã giới thiệu mảnh đất của ông Dục người sát bên cạnh với khoảng 02ha. Ông Dục thông tin là sẽ bán với giá 250 triệu đồng.
Để làm sáng tỏ hơn vấn đề trên, phóng viên đã tìm gặp ông Lê Xuân Tương- nguyên Chủ tịch UBND xã Đắk Môl, hiện tại đang là Phó Chủ tịch HĐND huyện Đắk Song. Ông Tương cho biết, năm 2013, ông Tương đã ký biên bản bàn giao đất rừng cho UBND xã Đắk Môl, lúc đó ông Ngô Anh Nhượng là Chủ tịch. Số lượng diện tích rừng thực tế bàn giao là 51.8 hecta (Có biên bản kèm theo). Khi bàn giao có đầy đủ cán bộ địa chính đi đo đạc thực địa rất kỹ. Nhưng hiện tại theo ông Tương được biết số lượng đất rừng bàn giao đó cũng không còn hecta nào.
Dẫn phóng viên vào rừng, ông Nguyễn Văn Tân- Công an viên thường trực xã Đắk Mol cho biết, trước đây, lúc ông Tương đang làm Chủ tịch thì ông Tân cùng với 03 dân quân và 01 Công an viên tổng cộng có 05 người, được điều động vào trong rừng để canh giữ từng hecta rừng. Thế nhưng, không hiểu sao từ khi ông Nhượng lên làm Chủ tịch UBND xã thì rút anh em về không phải ở trong rừng để giữ rừng nữa. Từ đó đến nay, thì không còn một hecta rừng nào nữa thay vào đó là những rẫy cà phê, tiêu, cây ăn trái… đã có chủ và mua bán thoải mái trên khu vực đất rừng này.
Nói về phần đất keo, ông Tân cho biết thêm: “Chúng tôi được biết là Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa bàn giao đất cho địa phương quản lý và trồng lại rừng. Bản thân tôi và một số anh em đã nhiều lần làm đơn gửi lên UBND xã để xin được nhận một ít đất để trồng lại rừng nhưng ông Nhượng không cho. Đến giờ thì còn hecta nào nữa đâu...”.
Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Ngô Anh Nhượng - Chủ tịch UBND xã Đắk Môl. Tại buổi làm việc, ông Nhượng khẳng định: “Đất thì vẫn còn đó chứ có mất đi đâu. Làm sao mà mất được đất. Lúc bàn giao thì có hơn 51ha. Nhưng hiện tại còn khoảng 47ha, do một số thuộc về địa phận xã Đắk Sắc, huyện Đắk Mil. Chúng tôi đã làm một số phương án như đấu giá, cho thuê hoặc cấp GCN QSDĐ có thu phí cho người dân trên khu vực này”.
Vấn đề chúng tôi muốn đề cập ở đây là việc buông lỏng quản lý rừng và đất keo của ông Chủ tịch Ngô Anh Nhượng. Cụ thể, ông Nhượng đã để mất trắng 51.8 ha rừng mà do mình là chủ rừng, đồng thời cũng để mất trắng hơn 51 ha đất keo (đất sạch) mà Công ty Đức Hòa bàn giao.
Đáng nói, việc buông lỏng quản lý này vẫn chưa được cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Trong khi đó, theo Quyết định 44/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Đắk Nông, quyết định Ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm quản lý rừng, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông... thì ông Ngô Anh Nhượng phải bị xử lý trách nhiệm theo khoản 2, Điều 10 quyết định nêu trên.