Đakrông khắc phục khó khăn để triển khai sản xuất vụ đông xuân

Theo lịch thời vụ, từ ngày 10/1/2021, các địa phương trong tỉnh bắt đầu triển khai gieo trồng vụ đông xuân 2020 - 2021. Tuy nhiên, đối với huyện miền núi Đakrông, ảnh hưởng nặng nề sau các đợt mưa lũ liên tiếp xảy ra vào những tháng cuối năm 2020 khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

 Sau lũ, tại xã Ba Lòng vẫn còn nhiều diện tích đất trồng hoa màu nằm ở vùng trũng chưa thể cải tạo được - Ảnh: T.T

Sau lũ, tại xã Ba Lòng vẫn còn nhiều diện tích đất trồng hoa màu nằm ở vùng trũng chưa thể cải tạo được - Ảnh: T.T

Sau lũ lớn, gần 650 ha diện tích đất sản xuất lúa và hoa màu trên địa bàn huyện Đakrông bị bồi lấp với khối lượng đất đá lớn hoặc bị xói mòn nghiêm trọng, hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất hư hỏng nặng, người dân không có vốn để tái đầu tư sản xuất… Hiện việc khôi phục thiệt hại để triển khai sản xuất nông nghiệp ở Đakrông đối mặt với nhiều thách thức. Tại xã Triệu Nguyên có hơn 150 ha đất sản xuất bị bồi lấp, trong đó 146 ha bị thay đổi hiện trạng cần phải cải tạo kịp thời để tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2020-2021. Hệ thống các công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, trong đó có 3 công trình thủy lợi Khe Đùng, Khe Rọ và Khe Nha Triều bị khối lượng cát, đá lớn vùi lấp đập dâng đầu nguồn và 1,3 km tuyến kênh mương.

Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên Trương Văn Hoài cho biết: “Để kịp thời tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2020-2021, xã đã tiến hành rà soát hiện trạng của hơn 150 ha diện tích đất lúa, hoa màu bị vùi lấp, phân loại độ sâu vùi lấp, loại đất vùi để đưa ra các giải pháp khôi phục. Đến nay, xã đã huy động các phương tiện cơ giới để giải phóng khối lượng đất cát trên đồng ruộng, trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu cho khoảng 75% diện tích bị bồi lấp, sau đó dùng vôi, các chế phẩm vi sinh để cải tạo đồng ruộng.

Đối với vùng đất bị vùi sâu trên 30 cm, tập trung cải tạo, san ủi mặt bằng, vệ sinh, xử lý đồng ruộng bằng vôi, các chế phẩm vi sinh vật, sau đó làm đất, lên luống cao để chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày phù hợp như rau các loại, ngô, lạc…”. Trước mắt, xã Triệu Nguyên đã phát động phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, trong đó tập trung nạo vét kênh mương bị bồi lấp đảm bảo thông thoáng. Kịp thời đắp sửa, hàn gắn tạm thời bằng đất những đoạn kênh bị hư hỏng hạn chế thất thoát nước, sửa chữa hệ thống giao thông nội đồng để phục vụ vận chuyển giống, vật tư, phân bón.

Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, xã Ba Lòng là địa phương bị nước lũ bao vây gây cô lập lâu nhất, nước ngập sâu nhất trên địa bàn huyện Đakrông. Theo ước tính, mưa lũ kéo theo đất, cát đã vùi lấp hơn 400 ha hoa màu, 15 ha lúa nước, trong đó hơn 60% diện tích bị vùi lấp ở độ sâu từ 0,5 đến hơn 1m. Với nhiều nỗ lực trong khôi phục diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, xã Ba Lòng đã triển khai gieo 25 ha lúa cho vụ đông xuân 2020 - 2021. Theo Chủ tịch UBND xã Ba Lòng Hồ Xuân Hoàng, khó khăn nhất hiện nay của xã là nguồn kinh phí để khôi phục diện tích hơn 400 ha đất sản xuất bị bồi lấp và sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng.

Theo tính toán, với tình trạng thiệt hại nặng nề ở hai xã Triệu Nguyên và Ba Lòng, chi phí cải tạo đất màu để tái sản xuất khoảng 15 triệu đồng/ha bao gồm chi phí san gạt đường nội đồng và tạo kênh tiêu nước, chi phí máy san ủi, cày đất sản xuất… Riêng về nguồn vốn sửa chữa hạ tầng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, huyện Đakrông cần khoảng 13 tỉ đồng để khắc phục.

Để tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 hiệu quả trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn ngổn ngang, huyện Đakrông đang tổ chức khôi phục, cải tạo khẩn cấp gần 650 ha diện tích đất sản xuất, hoa màu bị bồi lấp. Trong đó đề ra phương án cụ thể như đối với 156 ha đất trồng lúa, trong đó 65 ha đất trồng bị bồi có độ sâu dưới 15 cm thì tập trung cải tạo, giải phóng khối lượng đất đá trên đồng ruộng, san ủi mặt bằng, dọn dẹp vệ sinh cải tạo đồng ruộng. Vùng đất bị bồi lấp sâu từ 15 đến trên 30 cm thì sử dụng các phương tiện cơ giới để san ủi bùn đất, trả lại mặt bằng sản xuất. Riêng với gần 22 ha diện tích bị bồi lấp trên 30 cm không khôi phục kịp sẽ chuyển sang trồng màu tập trung như ngô, lạc…

Đối với 528 ha diện tích đất màu bị bồi lấp, phương án khả thi là tiến hành dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng, sử dụng máy san gạt nhẹ bề mặt tạo mặt bằng canh tác, sau đó cày sâu để đảo lộn tầng sét, cát và hữu cơ, khử độc và cải tạo bằng vôi, các chế phẩm vi sinh vật...rồi mới gieo trồng các loại cây màu phù hợp với từng vùng đất. Trước mắt, huyện sẽ tiến hành cải tạo giai đoạn 1 cho 378 ha diện tích đất bị bồi lấp nằm ở những vùng khô ráo, thuận lợi cho công tác khôi phục, cải tạo. Riêng 150 ha diện tích đất bị bồi lấp nằm ở vùng trũng không thoát nước tập trung ở xã Ba Lòng, phải đợi thời tiết khô ráo, thuận tiện mới thực hiện được để đưa vào sản xuất vụ xuân muộn từ đầu tháng 2/2021. Với tình hình diện tích đất nông nghiệp ở các địa phương bị thay đổi hiện trạng, huyện Đakrông cũng đã tổ chức thực hiện cắm mốc xác định lại ranh giới diện tích đất sản xuất của các hộ gia đình để kịp tiến hành gieo trồng.

Ngoài tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, huyện Đakrông cũng cần quan tâm hỗ trợ về nguồn giống lúa, hoa màu, con giống để đáp ứng nhu cầu của người dân cho vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021. Về lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn của trung ương và địa phương để huyện Đakrông sửa chữa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp bị thiệt hại, đảm bảo điều kiện sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154671