Đakrông quan tâm đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, huyện Đakrông đã tích cực thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 30/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực cho miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018 - 2025, chiến lược đến năm 2030. Nhờ vậy ngày càng có nhiều cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số được đào tạo kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

 Công chức xã A Bung, huyện Đakrông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: B.T

Công chức xã A Bung, huyện Đakrông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: B.T

Chị Hồ Thị Kim Cúc, Bí thư Đoàn cơ sở xã Mò Ó cho biết, mặc dù đã được đào tạo sơ cấp lý luận chính trị nhưng trong quá trình tham gia công tác đoàn và phong trào thanh niên ở địa phương, chị thấy khả năng của mình của còn hạn chế. Do đó, khi được đảng ủy xã cử tham gia lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, nhận thấy đây là cơ hội để nâng cao trình độ, chị đã tích cực học tập và sau 9 tháng đã tốt nghiệp. Khóa đào tạo đã giúp chị hiểu sâu hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng hành chính. Đây là những kiến thức rất bổ ích để chị vận dụng vào quá trình công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Có được kết quả này, Huyện ủy Đakrông đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn gắn với công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan và công khai. Đồng thời, khuyến khích và thực hiện tốt các chính sách, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, huyện luôn quan tâm đến chính sách cử tuyển và tuyển dụng theo vị trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Các xã, thị trấn trên địa bàn luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Bí thư Đảng ủy xã Đakrông Hồ Văn Dưm cho biết: “Toàn xã có 97,9% dân số là người dân tộc thiểu số nên hằng năm đảng ủy đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu, độ tuổi, tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Hiện tại xã có 40 cán bộ, công chức, trong đó người dân tộc thiểu số 27 người, chiếm tỉ lệ 67,5%, về chuyên môn có 14 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, trình độ lý luận chính trị có 1 người cao cấp, 11 người trung cấp…”.

Có thể nói, nhờ quan tâm công tác đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số nên huyện Đakrông đã từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn và trình độ lý luận chính trị góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Đội ngũ cán bộ này đã có nhiều đóng góp, không chỉ tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước mà còn lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường, an ninh trật tự…

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đakrông Hồ Văn Dương cho biết: “Xác định phát triển nguồn nhân lực cho miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, hiện nay huyện đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ theo Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 có 100% cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Tất cả cán bộ, công chức cấp xã đều được bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước, kỹ năng chuẩn sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng các phần mềm, khai thác dữ liệu phục vụ công việc; hằng năm ít nhất 60% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn, đạo đức công vụ, kiến thức quốc phòng - an ninh.

Trong thời gian vừa qua, để chuẩn bị nguồn nhân sự cho hệ thống chính quyền cơ sở, đi đôi với công tác quy hoạch cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030, huyện đã tổ chức nhiều lớp đào tạo về văn hóa, trung cấp kinh tế, sơ, trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, tin học văn phòng, đào tạo tiếng Bru - Vân Kiều. Tuy nhiên, so với yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đối với một huyện nghèo thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ, hiện tại năng lực công tác của một bộ phận cán bộ, công chức và cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã là người dân tộc thiểu số vẫn chưa đạt chuẩn. Vì vậy, huyện Đakrông chú trọng làm tốt công tác quy hoạch nguồn cán bộ, trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng này tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin, bổ sung và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý, năng lực chuyên môn để nâng cao hiệu quả công tác”.

Bá Thuần

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=156977&title=dakrong-quan-tam-dao-tao-va-su-dung-can-bo-nguoi-dan-toc-thieu-so