Đakrông tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp

Để khắc phục hậu quả các đợt bão lũ liên tiếp vừa qua, huyện Đakrông đã huy động tối đa nhân lực, vật lực để triển khai nhanh chóng các nhóm giải pháp nhằm phục hồi sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ người dân bảo đảm đời sống.

 Nhiều diện tích đất sản xuất, hệ thống trang trại bị bồi lấp sau lũ ở Đakrông - Ảnh: VĂN TIẾN

Nhiều diện tích đất sản xuất, hệ thống trang trại bị bồi lấp sau lũ ở Đakrông - Ảnh: VĂN TIẾN

Đakrông là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do các đợt bão lũ gần đây gây ra. Theo thống kê của UBND huyện Đakrông, đến nay ước thiệt hại về lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp khoảng 24,906 tỉ đồng, trong đó về trồng trọt khoảng 19,706 tỉ đồng; về chăn nuôi khoảng 5 tỉ đồng; về thủy sản khoảng 0,2 tỉ đồng; về hạ tầng thủy lợi, nước sinh hoạt khoảng 25,7 tỉ đồng… Khó khăn hiện nay của người dân huyện Đakrông là việc nhiều diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, thay đổi hiện trạng cần phải cải tạo để tổ chức sản xuất; nguồn lực chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 bị thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là giống cây trồng, vật nuôi các loại…; nguồn thu nhập của hầu hết người dân trên địa bàn huyện bị thiệt hại do thiên tai, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như việc tái đầu tư cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới; ô nhiễm môi trường sau các đợt bão lũ đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; hạ tầng thiết yếu trong lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề cần khôi phục khẩn cấp để tổ chức sản xuất nông nghiệp trở lại…

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết, trước tình hình này, huyện Đakrông đã đưa ra các giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp. Hiện huyện đang chỉ đạo tập trung xử lý môi trường sau mưa lũ, huy động mọi lực lượng, phương tiện để thực hiện san ủi mặt bằng, khôi phục diện tích đất trồng lúa, hoa màu bị bồi lấp do mưa lũ, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021. Đối với diện tích 156,6 ha đất trồng lúa bị bồi lấp, huyện thực hiện phương án chuyển đổi diện tích 21,8 ha đất trồng lúa bị bồi lấp nặng (không thể khôi phục để trồng lúa trở lại) sang trồng các loại cây trồng khác như ngô, lạc, đậu xanh…; 55,6 ha đất trồng lúa bị bồi lấp nặng không thể chuyển đổi sang trồng cây khác, huyện sẽ tìm hướng hỗ trợ người dân sử dụng máy móc để khôi phục diện tích đất trồng lúa trở lại; khôi phục lại diện tích 79,2 ha đất trồng lúa bị bồi lấp nhẹ để tiếp tục trồng lúa. Đối với diện tích 528,2 ha đất trồng hoa màu bị bồi lấp, huyện hỗ trợ người dân vôi nông nghiệp, các chế phẩm sinh học để xử lý, cải tạo đất sản xuất bị bồi lấp sau mưa lũ; động viên người dân tranh thủ thời tiết nắng ráo để tiến hành cày lật đất, bón vôi, phân chuồng… cải tạo, phục hồi đất sản xuất.

Trước mắt, huyện Đakrông khẩn trương triển khai sản xuất vụ đông năm 2020 nhằm giúp người dân chủ động nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ; hỗ trợ các loại giống cây trồng như lúa, ngô, lạc, rau, đậu các loại để giúp người dân tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 kịp thời; hỗ trợ giống cây ăn quả các loại để khôi phục diện tích đất sản xuất bị ngập úng, cây trồng gãy đổ, hư hại; hỗ trợ giống gia súc, gia cầm để người dân kịp thời tổ chức lại sản xuất, đảm bảo sinh kế; hỗ trợ hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ giống cá nước ngọt và hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản để đảm bảo phục vụ nhu cầu của gia đình; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện những công việc cần thiết để chăm sóc đàn gia súc, gia cầm (nhất là công tác phòng chống dịch bệnh) sau mưa lũ; quan tâm hỗ trợ người dân giống thủy sản…

Về lâu dài, huyện Đakrông sẽ nghiên cứu, rà soát chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, hoa màu hiệu quả kinh tế thấp cũng như bị bồi lấp, khó khôi phục sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu, chọn lọc những giống cây ngắn ngày bổ sung vào cơ cấu giống trên địa bàn huyện nhằm hạn chế thiệt hại của thiên tai, dịch bệnh; đề xuất bố trí vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn năm 2021 - 2025 để sửa chữa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp bị thiệt hại, hư hỏng; duy trì và đẩy mạnh công tác tổ chức sản xuất theo quy trình hữu cơ, an toàn thực phẩm… Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất thích ứng với biển đổi khí hậu; kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và kết nối thu mua nông sản trên địa bàn huyện; ưu tiên nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp…

Bên cạnh đó, huyện Đakrông cũng chú trọng việc khôi phục, sửa chữa hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp với việc tuyên truyền, vận động các HTX, THT, người dân làm thủy lợi, be bờ, giữ nước để làm đất; huy động lực lượng nòng cốt tại địa phương (bộ đội, công an, thanh niên…) để sửa chữa, nạo vét các công trình kênh mương, trạm bơm, đập đầu nguồn…; huy động nguồn lực của địa phương (nhân công, kinh phí từ đất trồng lúa, dịch vụ thủy lợi…) để kịp thời sửa chữa khẩn cấp các công trình thủy lợi; ưu tiên nguồn lực trong bố trí kinh phí Trung ương hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ để sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng… và nhiều giải pháp khác.

An Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153698