Đầm ấm mùa lễ hội Oóc Om Bóc

Đón mùa lễ hội Oóc Om Bóc năm 2016, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh tiếp tục được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được nâng cao; phum sóc có nhiều đổi thay, nhiều nhà cao tầng mọc lên, đường sá không còn cách trở...

Đua ghe ngo là tâm điểm của lễ hội Oóc Om Bóc. Ảnh: Phương Nghi

Đua ghe ngo là tâm điểm của lễ hội Oóc Om Bóc. Ảnh: Phương Nghi

Ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2016, thực hiện Chương trình 135, Trà Vinh được Trung ương phân bổ nguồn vốn 42,19 tỷ đồng để xây dựng 75 công trình hạ tầng kỹ thuật cho vùng đồng bào Khmer khó khăn, phục vụ sản xuất, đời sống của bà con. Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, Trà Vinh đã hỗ trợ đất ở cho 2.010 hộ, 447 hộ cần chuộc đất sản xuất, hơn 4.960 hộ vay vốn tạo việc làm, với tổng kinh phí hơn 117 tỷ đồng (đã hỗ trợ 100% số hộ mua đất ở); hỗ trợ 1,2 tỷ đồng tổ chức thăm hỏi 438 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ trực tiếp 10,05 tỷ đồng cho người dân tộc thuộc hộ nghèo; giải ngân 6,435 tỷ đồng hỗ trợ về nước sinh hoạt cho 4.964 hộ dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở các huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè...

"Đặc biệt, Trà Vinh đã xây dựng và bàn giao 12 nhà hỏa táng cho các chùa, góp phần giữ gìn phong tục tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer. Hiện nay, Trà Vinh có 264.227 hộ dân đã có điện sinh hoạt (chiếm 98,48%); trong đó, số hộ ở khu vực nông thôn có điện là hơn 223.430, đạt 97,82%; riêng số hộ đồng bào Khmer có điện sử dụng đạt 97%. Có điện sinh hoạt, sản xuất đã tạo điều kiện cho đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất, tinh thần" - ông Ninh nói.

Không khí đón lễ hội Oóc Om Bóc rất vui tươi, phấn khởi, bởi đời sống của đồng bào Khmer đã khấm khá hơn, diện mạo phum, sóc ngày càng khởi sắc. Tiếng chiêng, trống vang xa, tu huýt, phiêng la thúc giục, điệu múa Sari kakeo lắc lư, nhạc ngũ âm quyến rũ... như mời gọi cùng về đây vui mùa lễ hội. Về huyện Trà Cú nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm gần 62% dân số của huyện trong những ngày này mới cảm nhận hết không khí đón lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào. Trà Cú hôm nay đã có nhiều sự đổi thay tích cực. Những con đường bụi bặm vào mùa khô, sình lầy vào mùa mưa đã được được trải nhựa, nhiều ngôi nhà lợp ngói được mọc lên, thay cho những ngôi nhà tre lá đơn sơ, ọp ẹp.

Ông Kim Ngọc Sương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trà Cú cho biết, 5 năm qua, vùng đồng bào Khmer ở Trà Cú được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 hơn 444,8 tỷ đồng. Nhờ vậy, huyện đã xây dựng và duy tu sửa chữa được 91 công trình về giao thông, thủy lợi, nước sạch sinh hoạt; cấp đất ở cho 547 hộ và xây dựng nhà ở cho 2.057 hộ Khmer nghèo... Đến nay, cơ bản các hộ dân Khmer nghèo Trà Cú đã được xây nhà ở mới; tỷ lệ hộ Khmer nghèo trong 5 năm qua giảm bình quân 4%/năm, không còn hộ thiếu ăn vào mùa giáp hạt.

Ông Lý Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, một xã có đông đồng bào Khmer sinh sống cũng là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết, 5 năm qua, Tân Sơn đã huy động được 140,8 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong đó, người dân đóng góp 23,9 tỷ đồng và hiến đất, cây trái, hoa màu, ngày công... để xây dựng giao thông nông thôn, còn lại là các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình của tỉnh, của Trung ương, vốn lồng ghép từ các doanh nghiệp.

Hiện nay, Tân Sơn có 85% hộ dân đạt danh hiệu Gia đình nông thôn mới, đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%; 4/9 ấp nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn Tân Sơn đã không ngừng đổi thay, đời sống, sản xuất của người dân không ngừng được phát triển, giá trị sản xuất bình quân đạt 85 triệu đồng/ha, tỷ lệ cơ giới hóa ứng dụng vào sản xuất đạt 90%. Tân Sơn hình thành được 7 mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm rõ rệt từ 29,3% năm 2011 (với 529 hộ) xuống còn 5,14% (97 hộ) là xã đầu tiên của huyện Trà Cú đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Ông Kim Lẹ, một nông dân ấp Đôn Chụm, người đã hiến 1.000m2 đất xây dựng đường nông thôn thì cho rằng, hồi nào tới giờ chưa có ai lo cho dân như Nhà nước mình, nào giúp nhà ở cho hộ nghèo, đất sản xuất, đầu tư bò cho người nghèo, làm đường nhựa khang trang, việc giao thương đi lại của người dân cũng thuận lợi hơn, không còn cảnh lầy lội như trước, nông thôn mới thế này mới là đáng sống.

Một mùa lễ hội Oóc Om Bóc lại về, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của bà con, tin tưởng rằng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer Trà Vinh sẽ ngày càng nâng cao, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dam-am-mua-le-hoi-ooc-om-boc/