Đảm bảo an ninh lương thực gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững

PTĐT - Thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án 'An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020' và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả.

Thực hiện dồn đổi ruộng đất, tạo điều kiện cho hình thành cánh đồng lớn, trồng lúa chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực và tiến tới sản xuất hàng hóa ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.

Thực hiện dồn đổi ruộng đất, tạo điều kiện cho hình thành cánh đồng lớn, trồng lúa chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực và tiến tới sản xuất hàng hóa ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.

PTĐT - Thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả.
Trong bối cảnh mới, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế, tạo ngành hàng chủ lực của tỉnh là vấn đề đặt ra.

Vấn đề an ninh lương thực quốc gia nằm trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thời gian qua, tỉnh đã phát huy lợi thế về cây lúa, phát triển lương thực, thực phẩm thành các vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh cơ giới hóa, chế biến, bảo quản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ môi trường bền vững. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn tiếp tục quan tâm đầu tư; hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới phục vụ dân sinh và sản xuất được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải thiện. Các đề tài, dự án khoa học nhằm thúc đẩy sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, nông thôn được tỉnh chú trọng, quan tâm, ứng dụng vào thực tế.
Nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản mới được khảo nghiệm, lai tạo và nhân rộng trong sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, tự nhiên của từng vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trong sản xuất, chú trọng số lượng sang chất lượng và hiệu quả, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày của người dân. Cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực; giai đoạn đầu là đẩy mạnh đưa lúa lai vào sản xuất góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Từ năm 2015 đến nay đưa nhanh các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất diện rộng; tập trung phát triển sản xuất quy mô lớn. Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2019 đạt trên 427 nghìn tấn, trong đó sản lượng thóc đạt trên 345 nghìn tấn. Thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu, thử nghiệm đã xác định và bổ sung 12 giống lúa (Thiên ưu 8, TBR 225, J02,..) với các giống có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã mở rộng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao chiếm 45% diện tích; duy trì tỷ lệ lúa lai chiếm 40% diện tích gieo cấy. Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp, tổ chức thực hiện các mô hình trồng khảo nghiệm giống lúa mới, lựa chọn giống chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và các đối tượng sinh vật hại, phù hợp với tập quán canh tác của người dân để đưa vào sản xuất. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong canh tác như: Quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng phân bón hữu cơ, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI… Đồng thời quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, hình thành cánh đồng lớn và xây dựng mô hình liên kết sản xuất, lúa chất lượng cao”.Sản xuất chăn nuôi của tỉnh đã có bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi trang trại, gia trại phát triển. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đến năm 2019 đạt trên 175 nghìn tấn, tăng 2,3 lần so năm 2008. Sản xuất thủy sản tiếp tục có chuyển biến, nhiều hộ dân đã chủ động đầu tư nuôi thâm canh công nghiệp, bán công nghiệp, cơ cấu sản lượng thủy sản nuôi trồng chiếm 92,3% tổng sản lượng; tổng sản lượng thủy sản đạt gần 38 nghìn tấn, trong đó, sản lượng cá đặc sản, giá trị kinh tế cao chiếm trên 45%. Nông nghiệp đã từng bước phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành và Quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác nông - lâm, thủy sản đến nay ước đạt 108 triệu đồng/ha/năm.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được cải tạo, nạo vét kênh mương, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho đất lúa hai vụ và tăng diện tích có tưới đối với rau màu, góp phần tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được cải tạo, nạo vét kênh mương, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho đất lúa hai vụ và tăng diện tích có tưới đối với rau màu, góp phần tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực.

Yên Lập là huyện miền núi với diện tích đất trồng lúa hàng năm của huyện đạt trên 6.000ha. Ông Hoàng Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: “Huyện xây dựng quy hoạch sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng, quy hoạch thành 3 tiểu vùng chính. Vùng thượng huyện tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu, đặc sản nếp Gà gáy và lúa chất lượng cao; vùng trung huyện được xác định là vùng trọng điểm về sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa; vùng hạ huyện chủ yếu phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây nguyên liệu giấy, cây dược liệu. Nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, huyện khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Đồng thời triển khai một số mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao liền vùng, cùng trà, cùng giống”.Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế do đất sản xuất còn manh mún, khó khăn cho cơ giới hóa, đầu tư thâm canh, quản lý đồng ruộng. Nhiều nơi còn chậm ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch. Mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu ở khâu làm đất. Cơ giới hóa ở khâu thu hoạch lúa mới đạt khoảng 60%, đối với ngô dưới 20%. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị còn ít. Hiện nay, phần lớn sản phẩm lúa gạo trên địa bàn tỉnh được bảo quản, xử lý sau thu hoạch theo kinh nghiệm truyền thống nên giá trị sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh hàng hóa thấp, là một trong những trở ngại để tiến tới sản xuất hàng hóa đúng nghĩa, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường còn hạn chế. Thu nhập từ sản xuất lương thực (lúa, ngô) ở mức thấp, sức cạnh tranh kém so với sản xuất các đối tượng cây trồng, ngành nghề khác. Hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng đã được đầu tư mạnh, tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa đồng bộ, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn còn nhiều khó khăn, chưa theo kịp nền sản xuất hàng hóa lớn; gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo. Mặt khác, hiện nay an ninh lương thực cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết bất lợi với chu kỳ thường xuyên và quy mô lớn đã kéo theo tình hình dịch bệnh phát triển trên cây trồng, vật nuôi phức tạp hơn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Biến đổi khí hậu khiến rút ngắn thời gian tăng trưởng của lúa và hoa màu, giảm năng suất cây trồng.Trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp phải gắn với thương mại, với công nghiệp, khoa học và trí thức, an ninh lương thực phải thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với an ninh tài nguyên nước, an ninh môi trường và an toàn về chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo đối với người dân. Vì vậy, cần tích cực mở rộng việc sử dụng cơ giới hóa trong các khâu của sản xuất nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước, giảm chi phí sản xuất, tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành và tăng hiệu quả sản xuất. Tích cực áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến; củng cố, phát triển hệ thống bảo quản và cung ứng lương thực đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng lương thực trong mọi tình huống. Tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến vững chắc trong việc thực hiện khung lịch thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống. Tăng cường khảo nghiệm, bổ sung các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để tăng cường dinh dưỡng, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho người dân. Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo tích cực dồn đổi, tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202008/dam-bao-an-ninh-luong-thuc-gan-voi-phat-trien-nong-nghiep-toan-dien-ben-vung-172707