5 nguyên tắc để hoàn thiện dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu
Những điều kiện nêu ra tại Nghị định kinh doanh xăng dầu vừa phải bảo đảm được cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm cơ chế quản lý của Nhà nước.
Chiều 2/10, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trao đổi, thống nhất để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại Công văn số 6718 của Văn phòng Chính phủ về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: "Trong các văn bản quy phạm pháp luật, mặt hàng xăng dầu được xác định là mặt hàng kinh doanh chiến lược. Xăng dầu cùng với điện, khí đốt được coi là "bánh mì" của nền kinh tế".
Theo đó, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, những điều kiện nêu ra tại Nghị định này là vừa bảo đảm được cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm cơ chế quản lý của Nhà nước.
Đây là lần thứ 4 Bộ Công Thương tiến hành lấy ý kiến của các Bộ ngành cả bằng văn bản và lấy ý kiến trực tiếp, và cũng là lần thứ 4 trình lên Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi từ Nghị định 83, Nghị định 95, Nghị định 80 để có được phương án hoàn hảo nhất, phù hợp nhất so với tình hình hiện nay.
Cho đến thời điểm này, theo báo cáo cáo của Ban biên soạn, Tổ biên tập, vẫn còn một số vướng mắc, mặc dù trong quá trình soạn thảo. Bộ Công Thương đã tuân thủ những quan điểm cơ bản trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
Bộ Công Thương đã tôn trọng 5 nguyên tắc cơ bản được nêu trong quá trình soạn thảo và đã được Chính phủ thông qua.
Cụ thể gồm xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; kế thừa những ưu điểm trong cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn cả quốc tế và trong nước.
Cùng với đó, giảm sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân; cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
Tại hội nghị, đại diện các Bộ ngành liên quan, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu đã nêu ý kiến góp ý về dự thảo.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tham dự.
Đồng thời cam kết, đối với các ý kiến xác đáng, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của luật pháp hiện hành và phù hợp với thực tiễn trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu ở nước ta trong những năm qua, Bộ sẽ cố gắng tiếp thu và thể hiện một cách tốt nhất.
"Chúng tôi cam kết tiếp thu các ý kiến của các đại biểu. Quan điểm của Ban soạn thảo là tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, cố gắng thiết kế văn bản theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý nhà nước tốt nhất", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.