Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống
Bộ Công thương yêu cầu cung cấp, phân phối đầy đủ, đa đạng, an toàn các loại thực phẩm, từ gạo, thịt, trứng, sữa..., góp phần thúc đẩy tăng trường kinh tế, xã hội trong mọi tình huống.
Chỉ thị 13 về đảm bảo an ninh lương thực đến 2030 đặt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành Chỉ thị 13 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
Mục tiêu của Chỉ thị 13 của Bộ Công thương về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 là cung cấp, phân phối đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần bảo đảm nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.
Bộ Công thương cũng đặt mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản và lưu thông nhằm nâng cao chất lượng chế biến lương thực, thực phẩm; giảm giá thành, đa dạng hóa các sản phẩm thực phẩm chế biến để người dân có thể tiếp cận đủ dinh dưỡng với giá thành phù hợp...
Chỉ thị 13 cũng đề ra mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường nhằm giúp người nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, gắn bó bền vững với nông nghiệp.
Để cán đích nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị 13, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện một loạt nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, Cục Xuất Nhập khẩu có nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và kết hợp hiệu quả giữa dự trữ lưu thông với dự trữ quốc gia.
Bộ yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường ngoài nước, trong nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Cục Xuất Nhập khẩu phối hợp với Vụ Thị trường nước ngoài, trong nước và Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số phát triển hệ thống thông tin về an ninh lương thực, thực phẩm; cung cấp thông tin dự báo của nước ngoài về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm trên phạm vi thế giới và khu vực.
Bên cạnh đó, Cục này cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách thỏa đáng cho nông dân trồng lúa và doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Đặc biệt, Bộ Công thương yêu cầu Cục Xuất Nhập khẩu nghiên cứu hoàn thiện cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu lương thực, thực phẩm phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; kết hợp hiệu quả giữa dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia.
Cục Công nghiệp có nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho nông nghiệp, góp phần hỗ trợ cho quá trình chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị, dinh dưỡng, đa dạng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu.
Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực phát triển, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, tiếp cận với các sản phẩm lương thực, thực phẩm chế biến.