Đảm bảo an ninh mạng để thị trường chứng khoán vận hành an toàn, ổn định
Liên quan đến việc vận hành an toàn, ổn định thị trường chứng khoán, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài chính vào chiều 29/3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - người phát ngôn của Bộ Tài chính khẳng định, tính ổn định và an toàn của hệ thống là vô cùng quan trọng.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, các công ty chứng khoán, thành viên thị trường và cả các nhà đầu tư cũng phải nâng cao ý thức, bảo mật thông tin, nâng cao hiệu quả để thị trường đảm bảo vận hành an toàn, ổn định.
Chủ động, kịp thời vào cuộc khắc phục sự cố
Liên quan đến nâng cao tính bảo mật tại các công ty chứng khoán, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Công ty CP Chứng khoán VnDirect bị hacker chuyên nghiệp tấn công.
“Ngay trong đêm, chúng tôi đã kịp thời ban hành 2 văn bản, một văn bản gửi đến VnDirect khẩn trương khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng; đồng thời có văn bản gửi các công ty chứng khoán đề nghị nâng cao tính bảo mật” - ông Phạm Hồng Sơn cho biết.
Ông Phạm Hồng Sơn khẳng định, đây là sự việc riêng của một công ty chứng khoán. Hiện nay, công ty đã hoàn thiện 4 bước xử lý cơ bản. Khả năng giao dịch bình thường trở lại vào ngày 1/4 tới đây.
Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ người dân
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có mối quan hệ hữu cơ vô cùng chặt chẽ và không thể tách rời. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ đã sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ chưa có để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, công tác bảo mật luôn được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề cao.
“Chúng tôi đều có phương án để xử lý nếu có vấn đề. Công ty Chứng khoán VnDirect đã đầu hơn 200 tỷ đồng cho công tác bảo mật. Khi có sự cố, các công ty chứng khoán đã hỗ trợ, giúp nhau trong xử lý khắc phục sự cố. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã mời Bộ Công an vào cuộc" - ông Sơn nói.
Liên quan đến quản lý tài sản ảo và tiền ảo, theo ông Phạm Hồng Sơn, đây là vấn đề khó, tài sản mã hóa, tài sản ảo là sản phẩm của cách mạng công nghiệp 4.0, được đưa vào sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Cách tiếp cận của các nước cũng khác nhau. “Việt Nam đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước; khung khổ pháp lý cũng cần phải hoàn thiện, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, xem xét vấn đề này” - ông Phạm Hồng Sơn thông tin thêm tại cuộc họp báo.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, bất kỳ công ty chứng khoán nào có trục trặc đều ảnh hưởng tới thị trường, theo từng tầng nấc khác nhau. Với một công ty chứng khoán riêng lẻ thì có biện pháp riêng lẻ để xử lý.
Qua vụ việc tại Công ty CP Chứng khoán VnDirect, Công ty chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử lý đúng, trúng, kịp thời. Đây cũng là nhắc nhở cho các công ty chứng khoán để đảm bảo an toàn an ninh mạng và an toàn hệ thống.
“Tính ổn định và an toàn của hệ thống là vô cùng quan trọng. Bộ Tài chính xác định rõ điều đó và tiếp tục chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, các công ty chứng khoán, thành viên thị trường và cả các nhà đầu tư cũng phải nâng cao ý thức, bảo mật thông tin, nâng cao hiệu quả để thị trường đảm bảo vận hành an toàn, ổn định” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Gần 100% cửa hàng xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đã thông tin đến cuộc họp báo về việc xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Theo quy định, bắt buộc các cửa hàng xăng dầu phải thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng bắt buộc từ ngày 1/7/2022. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 Công điện và 1 Nghị quyết chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Trong đó, chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31/3/2024 nếu không thực hiện quy định về HĐĐT sẽ bị xử lý, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thuế ban hành 8 công văn chỉ đạo cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy triển khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Đồng thời, thực hiện ngay việc tham mưu UBND chỉ đạo các cơ quan ban ngành tại địa phương chủ động phối hợp với cơ quan thuế quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả yêu cầu các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu phát hành HĐĐT từng lần bán hàng.
Kết quả, đến ngày 28/3/2024, toàn quốc đã có 15.762 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT từng lần bán hàng, đạt khoảng 98,9% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Còn khoảng trên 100 cửa hàng chưa thực hiện, chiếm 1,1%.
Đã có 59/63 địa phương đạt tiến độ trên 90%, 40 địa phương hoàn thành 100% tiến độ. Theo báo cáo của các Cục Thuế, phấn đấu đến 31/3/2024 về cơ bản các cửa hàng xăng dầu trên cả nước sẽ thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.
Chính sách tài khóa là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế
Tại cuộc họp báo, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu có tiếp tục đề xuất chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Trương Bá Tuấn, năm 2024, cơ quan quản lý đang khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023.
Các chính sách này đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các doanh nghiệp và người dân. Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách, từ đó có các giải pháp về chính sách thuế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi một lần nữa khẳng định chính sách tài khóa thời gian qua đã chứng tỏ là động lực, là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế.
“Hôm qua, Hội đồng tư vấn chính sách tài khóa, tiền tệ mới họp và đánh giá trong khoảng thời gian 4-5 năm qua, sự phối hợp giữa 2 chính sách tài khóa, tiền tệ đã được nâng lên 1 bước, đạt hiệu quả. Thời gian qua có những biến động lớn, khó dự báo, chúng ta vẫn điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo ổn định an ninh xã hội, an ninh quốc phòng và đảm bảo tăng trưởng kinh tế” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, chính sách tiền tệ thời gian qua đã gặp phải nhiều vấn đề chưa từng có trong tiền lệ, chúng ta đã có phản ứng chính sách linh hoạt, nhờ chính sách tài khóa là bệ đỡ, vững vàng, chúng ta đã vượt qua được khó khăn, có mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, nợ công, nợ Chính phủ được kiểm soát thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra, thu ngân sách đảm bảo cho các nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.