Đảm bảo an ninh tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát
Sáng sớm, Quốc lộ 15C phủ một màu trắng của sương mù. Dưới cái lạnh tê tái, rét mướt của miền biên giới, từ Đồn Biên phòng (ĐBP) Trung Lý (Mường Lát) chúng tôi về bản Khằm 1, xã Trung Lý. Thiếu tá Cao Văn Lượng, Đội Trưởng Đội Trinh sát (ĐBP Trung Lý) và đồng chí Lương Văn Dương, cán bộ văn phòng UBND xã Trung Lý đưa chúng tôi đến thăm, làm việc và dự buổi sinh hoạt tôn giáo thường niên của điểm nhóm Tin lành Khằm 1 thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc).
Giá rét, nhưng khi chúng tôi đến bản Khằm 1, bà con ở các bản Khằm 1, Khằm 2 đã đến đông đủ để tham dự buổi sinh hoạt tôn giáo hàng tuần tại nhà cầu nguyện. Phàng A Chồng, sinh năm 1984, quê gốc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, hiện là phó nhóm điểm nhóm Tin lành bản Khằm 1. Anh Chồng cho biết: Điểm nhóm Tin lành bản Khằm 1 có 95 hộ thuộc bản Khằm 1, Khằm 2 tham gia sinh hoạt cầu nguyện chung. Vào những buổi sinh hoạt, ban chấp sự sẽ điều hành các hoạt động chung với các nội dung như hát thánh ca, đọc kinh thánh, cầu nguyện. Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt (còn gọi giờ thờ phượng), ban chấp sự cũng đã tuyên truyền cho bà con về thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, sống “tốt đời đẹp đạo”. Đặc biệt, ban chấp sự tuyên truyền cho bà con về chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không di cư tự do, không phát nương làm rẫy trái pháp luật, động viên cho con cháu đến trường đi học.
Đến buổi lễ cầu nguyện, anh Thào A Vừ, sinh năm 1990, bản Khằm 1 cho biết: Gia đình tôi có 6 người, gồm 2 vợ chồng và 4 người con. Trước đây, gia đình tôi cầu nguyện tại hộ gia đình, khi có nhà cầu nguyện chung thì hàng tuần vào sáng chủ nhật, gia đình đến nhà cầu nguyện dự buổi sinh hoạt chung, cùng cầu nguyện với bà con trong bản. Gia đình tôi luôn chấp hành theo các quy định của ban chấp sự điểm nhóm Tin lành bản Khằm 1 khi tham gia sinh hoạt tôn giáo và thực hiện các quy định của ban quản lý bản, của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.
Trung Lý là địa bàn rộng, với 15 bản, trong đó có 11 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đời sống của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tổng số hộ nghèo trong đồng bào Mông là 722 hộ, chiếm hơn 89,91% tổng số hộ nghèo toàn xã. Các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, nạn tảo hôn trong vùng dân tộc Mông vẫn còn.
Hiện nay, toàn xã Trung Lý có 616 hộ/3.473 khẩu ở 11/11 bản Mông theo tôn giáo, trong đó các bản có 100% theo tôn giáo như Nà Ón, Ma Hác, Xa Lao, Tung, Cá Giáng. Có 2 tôn giáo là Công giáo và Tin lành với 15 điểm nhóm. Trong đó có 10 điểm nhóm đã được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động tập trung, còn 5 điểm nhóm chưa được cấp phép hoạt động.
Thiếu tá Nguyễn Đăng Nam, Phó Đồn trưởng ĐBP Trung Lý cho biết: ĐBP Trung Lý đóng quân trên địa bàn bản Táo. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 7,77 km đường biên giới với 4 mốc quốc giới. Thời gian qua, song song với công tác bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đơn vị cũng đã thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần ổn định đời sống đồng bào, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đối với công tác tôn giáo, địa bàn xã Trung Lý chưa phát hiện hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, chưa phát hiện có dấu hiệu xâm phạm an ninh biên giới quốc gia. Nhằm bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Lát triển khai kế hoạch tăng cường liên ngành tại 11 bản trọng điểm vùng dân tộc Mông. Phối hợp với lực lượng công an tham mưu cho chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác Nhà nước về dân tộc, tôn giáo.
Cùng với việc đảm bảo an ninh dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, xã Trung Lý với đặc điểm tình hình địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, dân cư phân bổ không đồng đều, sống rải rác trên các đồi núi nên việc quản lý về tạm trú, tạm vắng hết sức khó khăn đối với các cơ quan chức năng. Vì vậy, ĐBP Trung Lý tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 2273/KH-BCH ngày 4/10/2018 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người dân khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ngoài trong tình hình hiện nay”. Thu thập tài liệu, số liệu, nắm chắc tình hình địa bàn. Phối hợp với liên ngành, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức. Tăng cường, phòng ngừa đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người dân ở xã Trung Lý xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ngoài. Tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đưa các mô hình phát triển kinh tế tới các bản để người dân có hướng làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Đồng chí Lê Quang Nghị, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Mường Lát cho biết: Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Mường Lát đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Lát có 3 tôn giáo là: Phật giáo, Công giáo và Tin lành tập trung ở các xã Quang Chiểu, Tam Chung, Mường Lý, Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn, thị trấn Mường Lát. Đối với Phật giáo, có 1 cơ sở tôn giáo và 1 tổ chức tôn giáo đặt tại Thiền viện Đại hóa (thị trấn Mường Lát). Đối với đạo Công giáo và Tin lành, trên địa bàn có 1.568 hộ/8.510 khẩu theo tôn giáo sinh hoạt tập trung tại 46 điểm nhóm, trong đó có 36/46 điểm nhóm đã được cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tập trung (số liệu tính đến tháng 9/2023).
Qua đánh giá, tình hình an ninh tôn giáo trên địa bàn ổn định, hoạt động tôn giáo trái phép được thu hẹp, không phát sinh vụ việc phức tạp về an ninh trật tự; hoạt động tôn giáo của các chức sắc, chức việc và điểm nhóm được quản lý, tạo điều kiện cũng như được giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, hoạt động tôn giáo trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn một số vấn đề, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong tôn giáo. Hiện nay, một vài chức sắc gia tăng hoạt động từ thiện nhân đạo (không thông qua kênh chính quyền và MTTQ) trên địa bàn, nhằm thông qua đó tuyên truyền, tác động phát triển tín đồ. Hoạt động từ thiện được tiến hành thực hiện ở cả những vùng chưa có tín đồ công giáo như xã Quang Chiểu, Mường Chanh, Nà Ón (Tam Chung). Hoạt động của tổ chức “Ân điển cứu rỗi” trên địa bàn tuy chưa gây ra vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, song thời gian qua có nhiều tín đồ liên quan đến tổ chức này tham gia các đợt bồi dưỡng kinh thánh ngoài địa bàn, không báo cáo với chính quyền địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý... Căn cứ tình hình, kết quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, huyện Mường Lát đã đề xuất với Ban Tôn giáo tỉnh, các đơn vị chức năng thống nhất chủ trương chỉ đạo, hướng dẫn cho UBND huyện trong thực hiện công tác đảm bảo an ninh tôn giáo, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động của tổ chức “Ân điển cứu rỗi” nói riêng và các tổ chức tôn giáo mới nói chung. Huyện cũng đã chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí mua và tặng cờ Tổ quốc để các điểm nhóm và giáo dân treo trong các ngày tết, ngày lễ nhằm phát huy tinh thần yêu nước và đoàn kết các dân tộc, các thành phần giáo và lương trong huyện, xã...