Đảm bảo an ninh trật tự qua việc thay đổi tập quán của người dân miền núi
Với đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực rừng núi của tỉnh Cao Bằng, việc sử dụng súng tự chế để săn bắn đã trở thành thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự trong cộng đồng.
Chỉ hơn hai chục năm trước, việc dùng súng săn và các loại súng tự chế tại các bản làng miền núi Cao Bằng khá phổ biến. Hầu như nhà nào cũng có súng - không chỉ để săn thú, bảo vệ mùa màng mà còn như một tập tục được lưu truyền từ nhiều đời. Cũng chính vì vậy, các vụ án nghiêm trọng liên quan đến các loại vũ khí tự chế thường xảy ra.
Người dân huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) vẫn còn nhớ vụ án mạng nghiêm trọng hồi tháng 6/2012 khi Triệu Văn Tòng (trú tại Bản Bét, xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc) nghi ngờ Đặng Chòi Quyên ở xã bên có quan hệ tình cảm với vợ mình nên rủ Quyên mang súng kíp cùng nhau đi săn. Trên đường trở về, Tòng đã bắn 3 phát vào Đặng Chòi Quyên khiến nạn nhân tử vong. Và mới đây là vụ một người phụ nữ ở xóm Bình An, xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) bị chồng cũ dùng súng tự chế bắn vào lưng phải nhập viện với 22 vết thương…
Đó chỉ là 2 trong số nhiều vụ án nghiêm trọng liên quan đến vũ khí tự chế tại các bản làng vùng núi của Cao Bằng. Dù các đối tượng gây án đều phải chịu xử lý của pháp luật nhưng các vụ việc này đã cho thấy sự nguy hiểm, phức tạp của việc tàng trữ, sử dụng súng, vật liệu nổ và vũ khí tự chế trong nhân dân, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Vậy nhưng, để thay đổi được thói quen đã trở thành một phần trong tập quán sinh sống của đồng bào không chỉ thể một sớm một chiều.
Trung tá Dương Ngọc Anh, Phó Trưởng Công an huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Công an huyện đã chủ động tham mưu cho huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo 138 của huyện, đồng thời tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chương trình kế hoạch nhằm triển khai chương trình toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc sao cho hiệu quả, sát thực với đặc thù từng địa phương, từng khu vực đồng bào sinh sống. Công an huyện cũng đã lập các tổ công tác, đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ…”
Ngoài kiên trì vận động, tuyên truyền để từng hộ gia đình ký cam kết không tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép, những thông tin pháp luật về nội dung này cũng được lồng ghép trong những buổi họp thôn, xóm với sự tham gia của các già làng, trưởng bản, người có uy tín tại cộng đồng dân cư. Nhờ đó, người dân đã dần thay đổi nhận thức, tự nguyện giao nộp hàng nghìn khẩu súng tự chế, vật liệu nổ và các loại vũ khí thô sơ...
Ông Đinh Văn Tiến, ở Bản Cắn, xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng nói: “Ở xóm này, ngày trước nhiều súng lắm, nhà nào cũng có để săn bắn, bảo vệ nhà cửa, mùa màng. Nhưng bây giờ được cán bộ tuyên truyền, ai có đều mang nộp hết cho chính quyền, giờ không nhà nào có súng nữa rồi”.
Ông Sạch Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng cho biết thêm: “Trước đây, ở xã có khá nhiều trường hợp dùng các loại vũ khí tự chế để săn bắn thú rừng hoang dã, hiện nay được sự tuyên truyền của cán bộ nên bà con chấp hành rất tốt việc giao nộp vũ khí thô sơ, tự chế phục vụ cho săn bắn”.
Năm 2021, người dân đã tự nguyện giao nộp gần 300 khẩu súng, hơn 2.500 viên đạn, 20 quả lựu đạn, hơn 700 kg thuốc nổ, hàng trăm mét dây cháy chậm và nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ khác. Tính riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cũng thu giữ hơn 100 súng quân dụng và súng tự chế, hơn 500 viên đạn cùng nhiều vật liệu nổ, linh kiện chế tạo súng… Trung tá Nguyễn Quang Hòa, Phó Trưởng Công an huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ và coi đây là một trong những biện pháp hạn chế các vụ việc mất an ninh trật tự trên địa bàn.
“Mỗi xã đều có từ 5 cán bộ công an chính quy xuống, cơ bản công an các xã đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch công tác do Công an tỉnh, Công an huyện đề ra trong việc bám nắm địa bàn, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và các biện pháp nghiệp vụ trong giữ gìn an ninh trật tự. Riêng đối với vấn đề vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ chúng tôi chỉ đạo tới công an các xã, nếu để xảy ra vi phạm mà công an xã không nắm được, Trưởng Công an xã phải chịu trách nhiệm trước Trưởng Công an huyện”, Trung tá Nguyễn Quang Hòa nói.
Với nỗ lực của các lực lượng chức năng, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Cao Bằng không còn những vụ án đau lòng liên quan đến vũ khí tự chế. Dù đó đây vẫn còn tình trạng thanh thiếu niên lén lút chế tạo và sử dụng các loại súng hơi cồn, súng bắn đạn bi… nhưng phần lớn đồng bào đã ý thức được sự nguy hiểm của việc tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí. Tuy nhiên, để thay đổi hoàn toàn nhận thức và hành vi của người dân là điều không dễ nên việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và các loại công cụ hỗ trợ trái phép vẫn là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác đảm bảo an ninh tại mỗi bản làng ở tỉnh miền núi Cao Bằng./.