Đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn trọng điểm
Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững, ổn định, không có vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự có nguy cơ phát sinh thành 'điểm nóng'. Các vụ việc nảy sinh trên địa bàn được lực lượng chức năng phát hiện, phối hợp xử lý, giải quyết kịp thời góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Với đặc điểm vị trí là tỉnh biên giới, là cửa ngõ để giao thông, giao thương với Trung Quốc qua 2 cửa khẩu quốc tế Tà Lùng và Trà Lĩnh; 2 cửa khẩu chính Lý Vạn và Sóc Giang; 2 cặp cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở dọc khu vực biên giới tạo được tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biên giới, trao đổi sản phẩm, hàng hóa của nhân dân khu vực biên giới. Tuy nhiên bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì đây cũng là một trong những điều kiện phát sinh một số tình hình phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như: Tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép; hoạt động môi giới, tổ chức đưa, dẫn dắt người xuất nhập cảnh trái phép với nhiều phương thức, hoạt động tinh vi. Tình hình an ninh tôn giáo, dân tộc cơ bản được giữ vững ổn định, song vẫn nổi lên một số hoạt động đáng chú ý của một số đối tượng theo Pháp Luân công có hành vi tổ chức tụ tập luyện tập cả công khai và bí mật, tích cực phát tán tài liệu tuyên truyền trái pháp luật; một số hoạt động của đạo Công giáo không thực hiện đăng ký với chính quyền địa phương; hoạt động của tổ chức bất hợp pháp trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự.
Tình hình trật tự an toàn xã hội có diễn biến tương đối phức tạp, khó lường, đặc biệt là tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, manh động. Bên cạnh đó là một số loại tội phạm phi truyền thống như tội phạm “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
Các cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh và Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở, trọng tâm là triển khai thực hiện vận động tập trung phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Trong đó lực lượng Công an tỉnh đóng vai trò tham mưu nòng cốt, huy động sức mạnh, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia phong trào. Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được xác định là nội dung trọng tâm, hoạt động phòng ngừa quan trọng trong đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Theo quyết định của Bộ Công an công nhận địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự địa bàn tỉnh có 67 xã, thị trấn là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; trong đó các địa bàn có nhiều hình thái phức tạp về an ninh, trật tự khác nhau như: ma túy, trật tự xã hội, tôn giáo,…. Nhiệm vụ của lực lượng Công an là triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự ổn định phục vụ mục tiêu phát triển kinh - tế xã hội.
Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và đồng tình nhất trí cao của quần chúng nhân dân phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo 138 tỉnh, hằng năm Công an tỉnh tham mưu, chỉ đạo Ban Chỉ đạo 138 các huyện, Thành phố mỗi địa phương lựa chọn tối thiểu 1 địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự để tiến hành mở đợt vận động tập trung phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh tổ chức thành công trên 60 đợt vận động tập trung phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Riêng trong năm 2023 lực lượng Công an tham mưu tổ chức thành công 11 đợt vận động tập trung phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại 11 xã, phường, thị trấn là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Qua đợt vận động, quần chúng nhân dân được lực lượng chức năng tuyên truyền về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời được trang bị kiến thức, nâng cao cảnh giác trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; cung cấp các phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm và hậu quả, tác hại của tệ nạn xã hội…từ đó khích lệ, động viên nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn an toàn về an ninh, trật tự.
Bên cạnh đó, hướng dẫn xây dựng các mô hình quần chúng tự quản về an ninh, trật tự làm hạt nhân trong thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Với phương châm “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” nhiều mô hình quần chúng tự quản bảo đảm an ninh, trật tự ra đời góp phần quan trọng trong đấu tranh, phòng ngừa với các vi phạm pháp luật từ cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động 38 loại mô hình quần chúng tự quản, được nhân rộng 1.410 tổ, điểm tại địa bàn cơ sở, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, tích cực, đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa tội phạm được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và đề xuất nhân rộng như mô hình “Camera giám sát an ninh”, “Thắp sáng đường quê”, “Khúc sông, suối tự quản”, “Cụm liên kết bảo đảm an ninh trật tự giữa các khu vực giáp ranh…”. Một số mô hình mang đặc trưng, tiêu biểu, riêng có của tỉnh như: Mô hình “Hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật” tại xã Thạch Lâm (Bảo Lâm); mô hình “Làng du lịch cộng đồng tự quản về an ninh, trật tự” tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); mô hình “Liên kết bảo đảm an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo tại địa bàn giáp ranh” giữa xã Đình Phùng (Bảo Lạc) và xã Yên Lạc (Nguyên Bình). Mô hình “Ba không” - không tệ nạn xã hội, không tảo hôn, không tham gia tổ chức bất hợp pháp” tại xã Thượng Thôn (Hà Quảng)…
Với những kết quả đạt được trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và hiệu quả từ các đợt vận động tập trung trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã góp phần quan trọng làm ổn định tình hình an ninh, trật tự địa bàn, chuyển hóa thành công địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Kết quả, đến hết năm 2023 Công an tỉnh đã thực hiện chuyển hóa thành công 67/67 địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.
Để tiếp tục duy trì, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh, thời gian tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đặc biệt là vai trò chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp, phát huy vai trò tích cực tham mưu nòng cốt của lực lượng Công an, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành và sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia phong trào. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình quần chúng tự quản, bảo đảm an ninh, trật tự. Kết hợp triển khai thực hiện các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm tại các địa bàn trọng điểm, không để các địa bàn đã chuyển hóa tái phức tạp về an ninh, trật tự.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dam-bao-an-ninh-trat-tu-tren-dia-ban-trong-diem-3167762.html